Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Nga

Ngày 1.3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết liên quan đến việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Nguồn: err.ee

Nguồn: err.ee

Ngày 1.3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết liên quan đến việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, trong đó đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Dự thảo nghị quyết này đã được thông qua tại phiên họp bất thường của EP, với 637 phiếu ủng hộ, 13 phiếu trống và 26 phiếu trắng. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ mang tính chất tham vấn và không có ý nghĩa ràng buộc.

Cùng ngày, Chủ tịch EU cho biết kể từ ngày 2.3, EU cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga, gồm đài RT và Sputnik phát sóng ở các nước thành viên liên minh. Trước đó, nền tảng chia sẻ video YouTube đã chặn nội dung của các kênh truyền thông của Nga tại EU.

Bên cạnh đó, EU cũng cấm "một số" ngân hàng Nga tham gia hệ thống tin nhắn của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), cấm các nước thành viên tham gia những dự án có vốn của Quỹ Đầu tư trực tiếp LB Nga (RDIF).

Hiện Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm cách làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng của Nga và đồng ruble thông qua một loạt biện pháp trừng phạt. Kể từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Nga đã mất 27% giá trị và đang giao dịch ở mức thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD.

Trong khi đó, Visa Inc và Mastercard Inc đã chặn nhiều thể thế tài chính của Nga tham gia mạng lưới tài chính của hai tập đoàn cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế lớn nhất thế giới này.

Trong tuyên bố, Visa Inc. cho biết đang hành động nhanh chóng nhằm đảm bảo tuân thủ các biện pháp trừng phạt hiện nay, đồng thời cho biết sẽ đóng góp 2 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.

Mastercard Inc cũng cam kết đóng góp tương tự, đồng thời khẳng định sẽ duy trì hợp tác với nhà chức trách trong thời gian tới nhằm thực thi đầy đủ các nghĩa vụ.

Thống kê cho thấy năm 2021, khoảng 4% doanh thu ròng của Mastercard bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước Nga. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trong và ngoài Ukraine chiếm 2% doanh thu ròng.

Cũng trong ngày 1.3, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết chính quyền nước này sẽ đình chỉ giao dịch tài chính với 7 ngân hàng Nga, theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuyên bố của bộ nêu rõ Seoul sẽ cùng các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đình chỉ giao dịch với các ngân hàng lớn và ngăn chặn đầu tư trái phiếu nhà nước của Nga. Cụ thể, Hàn Quốc áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng của Nga gồm Sberbank, VEB, Promsvyazbank, VTB, Otkritie, Novikombank, Sovcombank và các chi nhánh.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng khuyến nghị ngừng đầu tư trái phiếu của Chính phủ Nga từ ngày 2.3, cũng như thực hiện ngay các biện pháp trừng phạt liên quan đến hệ thống SWIFT, sau khi EU công bố kế hoạch chi tiết.

Ông Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã tác động lớn đối với thị trường tài chính và tiền tệ nước này.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Lindner cho biết tại cuộc họp, các bộ trưởng tài chính G7 "đã trao đổi các đề xuất để có thể thực hiện thêm các biện pháp,” đồng thời cho biết quyết định về các đề xuất sẽ được thực hiện trong những ngày tới.

Theo ông, mục đích của các biện pháp trừng phạt là "cô lập Nga về mặt chính trị, tài chính và kinh tế”.

Việt Nam lên tiếng kêu gọi đối thoại, bảo vệ người dân Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong ngày 1.3 - ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức về tình hình Ukraine, hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng này. Tại đây, Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.

Ông cho biết Liên hợp quốc đã chi 20 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và đề cử ông Amin Awad làm Điều phối viên khủng hoảng Liên hợp quốc tại Ukraine.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.

Các nước thành viên Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khắc Hiếu

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khắc Hiếu

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Về tình hình Ukraine, Đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Theo đó, Đại sứ hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28.2 giữa hai phái đoàn Ukraine và Nga và mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.

Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.

Dự kiến, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu nhằm thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine vào ngày 2.3 - ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của phiên họp.

Hải Vân - Khắc Hiếu

Ngọc Hà

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghi-vien-chau-au-thong-qua-nghi-quyet-trung-phat-nga-33915.html