Nghị viện thế giới: Những điều thú vị về Hạ viện Đức
Một trong những trung tâm kinh tế, sáng tạo bậc nhất thế giới…và một trong những địa danh thu hút khách du lịch nhiều nhất tại thành phố này Berlin (Đức) là tòa nhà Reichstag - tòa nhà Hạ viện Đức - bảo tàng sống của lịch sử Đức, biểu tượng về sự hồi sinh của Berlin và cũng là biểu tượng của một nước Đức thống nhất, phát triển.
KHÁM PHÁ TÒA NHÀ HẠ VIỆN ĐỨC
Hôm nay, tôi có mặt tại Berlin… Tôi đã thu xếp để được gặp gỡ bà Cansel Kiziltepe - một người Berlin gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là đại diện của Đảng Dân chủ xã hội tại Hạ viện Đức từ năm 2013. Vì vậy, bà biết rất rõ về nơi này. Đầu tiên, bà Cansel Kiziltepe giới thiệu với tôi về phòng tranh luận - trung tâm của Hạ viện cũng như nền dân chủ của nước Đức.
- Chúng tôi tranh luận, biểu quyết và ban hành các luật tại đây.
- Đó là nơi bà làm việc?
- Đúng vậy!
- Cảm giác khi đứng ở bục phát biểu như thế nào?
- Rất căng thẳng đấy!
- Tôi có thể tưởng tượng ra được, đặc biệt là khi đó là lần đầu tiên.
- Rồi bạn sẽ quen dần với nó. Cảm giác lo lắng không hề mất đi, nhưng mọi thứ sẽ ổn thôi. Tôi đã là một hạ nghị sĩ trong 4 năm. Và có cơ hội được phát biểu trong khán phòng này thực sự rất đặc biệt. Tôi đến từ một gia đình nhập cư, và thuộc về một thế hệ có tên gọi là "lao động nhập cư". Điều thực sự đặc biệt đối với tôi và bố mẹ tôi chính là việc tôi được giáo dục tốt. Và ngày nay, tôi đại diện cho những người dân Đức với vai trò là hạ nghị sĩ".
Đi qua những khán phòng của Hạ viện cũng giống như việc du hành thời gian. Những hình vẽ này được vẽ lên tường bởi những người lính Soviet sau khi chiến thắng trận đánh Reichstag vào năm 1945. Kiến trúc sư người Anh Norman Foster đã lồng ghép điều này vào bản thiết kế của ông ấy khi tòa nhà được xây dựng lại. Và ông ấy cũng đã để lại những vết đạn bắn.
Giờ chúng ta đang ở sảnh dành cho các nghị sĩ. Bức tranh này tượng trưng cho vụ hỏa hoạn tại tòa nhà Reichstag vào năm 1933. Đức quốc xã đã sử dụng cơ hội này như một cái cớ để bức hại các đối thủ chính trị của họ. Cuốn sách này lưu lại tên của 120 hạ nghị sĩ đã bị sát hại trong sự kiện đó.
Điểm dừng chân tiếp theo là phòng cầu nguyện. Một nơi yên tĩnh dành cho các hạ nghị sĩ soi xét lại bản thân mình, bất kể họ có theo tôn giáo nào đi chăng nữa.
Còn có rất nhiều điều nữa ở trên mái của tòa nhà. Mái vòm kính chính là điểm thu hút khách du lịch nhất tại Reichstag.
Mái được cấu tạo bằng khung thép và được phủ bằng hai lớp kính, cao 23,5m và có đường kính 40m. Mái vòm có vai trò như một tháp quan sát với tầm nhìn 360 độ ra cảnh quan xung quanh của Berlin. Từ trên đỉnh vòm có thể quan sát các tầng của tòa nhà, ánh sáng cũng từ đây lan tỏa tới các phòng làm việc bên dưới. Bên cạnh đó, kiến trúc sư còn thiết kế một nón xoáy với những tấm gương lật chuyển động, ánh sáng phản chiếu từ đó xuống các không gian chức năng. Chính giữa là nón xoáy với cầu thang chạy vòng quanh xoắn lên trên, khiến ta liên tưởng tới kiến trúc vĩ đại của sự sống – cấu trúc xoắn ADN.
Tòa nhà và khu mái vòm đều mở cửa miễn phí cho khách tham quan, nhưng cần phải đăng ký trước. Lượt đón khách cuối cùng trong ngày vào 10 giờ đêm, vì thế du khách có thể tận dụng cơ hội để ngắm Berlin khi lên đèn. Reichstag còn có một nhà hàng trên sân thượng và cũng yêu cầu phải đặt bàn trước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 25/2-1/3, 15-19/7, 16-20/9, 7-11/10 năm nay, mái vòm sẽ đóng cửa để vệ sinh và bảo trì.
Từ trên đỉnh, chúng tôi đi dần xuống phía dưới. Trong tầng hầm, chúng tôi bắt gặp 5.000 chiếc hộp với 4.999 cái tên trên đó.
- Mỗi một chiếc hộp được dành cho 1 đại biểu được bầu ra trong những năm từ 1919 cho đến 1999.
- Ở trong đó có gì không?
- Không. Những chiếc hộp này đều trông giống hệt nhau để tượng trưng cho sự bình đẳng giữa các đại biểu được bầu ra, dù cho họ có nhiệm vụ khác nhau. Những năm tháng của Đức quốc xã được tượng trưng bằng một chiếc hộp đen. Không có cái tên nào trên chiếc hộp đó cả.
Những đường hầm nối từ tòa nhà Reichstag tới các tòa nhà làm việc của các nghị sĩ ở xung quanh.
Từ đường hầm này tới đường hầm khác. Thiết kế mang phong cách rất tương lai.
- Đây là tòa nhà Power Luba. Phòng dành cho các đại biểu, văn phòng, các ủy ban đều ở đây - ở bên phải và bên trái.
- Vậy là đã có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa đằng sau những bức tường này.
- Đúng thế. Ủy ban của tôi - Ủy ban Tài chính, họp tại căn phòng này vào thứ Tư hàng tuần, từ 9:15 cho đến giữa trưa hoặc 1giờ chiều.
Tòa nhà Power Luba nằm bên bờ phía tây của sông Spree. Bên kia là một tòa nhà Marie-Elisabeth-Lüders House, nhiều hạ nghị sĩ có văn phòng làm việc ở phía bên đó. Khi thành phố bị chia cắt, ở khu vực này, dòng sông đóng vai trò biên giới giữa Đông và Tây Berlin. Những chữ thập này tưởng nhớ những người đã bỏ mạng tại đây khi cố gắng thoát khỏi Đông Berlin.
Tôi đang đứng trước phủ Thủ tướng. Tại đó, tầng 7 là nơi thủ tướng Angela Merkel làm việc. Thật không may là tôi không được vào, nhưng trên trang web chính thức của bà ấy, bạn có thể tham quan phòng làm việc của Thủ tướng.
Hãy nhìn cảnh quan ở đó kìa. Bạn có thể trông thấy khu vườn trong công viên thành phố, và có thể nhìn tới tận tòa nhà Reichstag.
Ngay phía sau tòa Reichstag, một dãy bậc thang nằm ngay bên bờ sông Spree cho chúng ta tầm nhìn tuyệt vời hướng ra tòa nhà Marie-Elisabeth-Lüders. Vào mùa hè, những khung cửa sổ tròn của tòa nhà biến thành những màn hình trình chiếu những thước phim về lịch sử nước Đức. Như là cái kết của đế chế Đức, hay là sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989. Màn trình diễn âm thanh và ánh sáng này cũng kết thúc chuyến hành trình khám phá khu vực chính trị của thủ đô nước Đức hôm nay.
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HẠ VIỆN ĐỨC
Chủ tịch Hạ viện: Chủ tịch Hạ viện là người đại diện cho Hạ viện – cơ quan lập pháp của nước Đức. Xét trong nghi thức ngoại giao, chủ tịch Hạ viện có chức vụ cao thứ hai sau Tổng thống Liên bang - cấp bậc cao hơn so với Thủ tướng Liên bang và Chủ tịch Thượng viện Bundesrat.
Nhiệm vụ của Chủ tịch Hạ viện: "Đại diện cho Hạ viện, điều hành mọi công việc tại Hạ viện; Có nghĩa vụ giữ vững phẩm giá và các quyền của Hạ viện; Điều hành các cuộc tranh luận một cách công bằng, vô tư và duy trì trật tự tại Hạ viện.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và được biết đến nhiều nhất của Chủ tịch Hạ viện là điều hành các phiên họp của hạ viện. Chủ tịch có trách nhiệm đảm bảo các phiên họp diễn ra một cách trật tự. Chủ tịch có quyền ngắt lời những hạ nghị sĩ phát biểu quá thời gian cho phép, thậm chí yêu cầu những vị này không được tham gia các phiên họp toàn thể và các cuộc họp của ủy ban trong tối đa 30 ngày.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hạ viện còn là gương mặt đại diện của Hạ viện trong những lần tiếp xúc với công chúng, chủ trì các bữa tiệc chiêu đãi và có các bài phát biểu quan trọng vào những dịp đặc biệt.
Các cơ quan của Hạ viện: Thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như lập pháp, giám sát các hoạt động của chính phủ và thông qua ngân sách, Hạ viện là cơ quan quyền lực nhất trong thể chế nghị viện – liên bang của Đức. Hầu hết các hoạt động của Hạ viện được diễn ra ở các ỦY BAN THƯỜNG TRỰC. Số lượng ủy ban có thể thay đổi theo từng nhiệm kỳ bầu cử. Chẳng hạn, Hạ viện Đức khóa đầu tiên được bầu vào năm 1949 có tổng cộng 40 ủy ban thường trực, nhưng tại khóa 17 hiện hành có 22 ủy ban.
Ngoài các ủy ban tương ứng với các bộ trong nội các, còn có các ủy ban về những lĩnh vực khác. Đó là Ủy ban Ngân sách, Ủy ban Văn hóa và Truyền thông, Ủy ban Thể dục Thể thao, Ủy ban Du lịch, Ủy ban về Các vấn đề pháp lý và Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Dân nguyện, Ủy ban Bầu cử, Miễn nhiệm và Quy tắc thủ tục, Ủy ban về Liên minh Châu Âu, Ủy ban về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, các ủy ban cũng có thể thành lập các tiểu ban để tiến hành phân tích những vấn đề chuyên sâu.
Những thành viên trong ủy ban thường sở hữu những chuyên môn đặc biệt liên quan đến hoạt động của ủy ban. Các vị trí trong ủy ban được phân phối cho các hạ nghị sĩ theo tỉ lệ tương ứng với tỉ lệ hiện diện của các đảng trong Hạ viện. Các vị trí trưởng các ủy ban cũng được chia theo tỉ lệ tương ứng với sự hiện diện của các đảng trong Hạ viện. Điều này có nghĩa là một lượng đáng kể các ủy ban trong Hạ viện được điều hành bởi các đại diện của các đảng đối lập. Đây là một ví dụ cho thấy rằng hệ thống chính trị của Đức được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cân bằng và kiểm soát.
Lãnh đạo Hạ viện và đại diện của các đảng phái điều phối các hoạt động của họ thông qua một ủy ban gọi là HỘI ĐỒNG BÔ LÃO (Council of Elders). Hội đồng này bao gồm Chủ tịch Hạ viện, các phó chủ tịch và 23 hạ nghị sĩ do các đảng đề cử với số lượng tỉ lệ với sự hiện diện trong hạ viện. Những thành viên trong hội đồng không phải là những người lớn tuổi nhất, nhưng chắc chắn phải có kinh nghiệm chính trường lão luyện.
Hội đồng bộ lão có trách nhiệm định hướng các hoạt động của Hạ viện, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc tranh luận, thiết lập thời gian biểu cho các hoạt động lập pháp và đưa ra nhiệm vụ cho các ủy ban. Những cuộc thương thảo giữa các đảng phái thường diễn ra ở đây khi các đảng cố gắng tạo áp lực để đưa quan điểm của mình vào các vấn đề lập pháp trong Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện đứng đầu Hội đồng và dự tất cả các buổi họp.
Chủ tịch Hạ viện và các phó chủ tịch cũng thiết lập và đứng đầu một cơ quan khác gọi là ĐOÀN CHỦ TỊCH. Cơ quan này thường nhóm họp hàng tuần để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nội bộ hạ viện.
Các nhóm đảng: Trong hạ viện Đức hiện có 6 nhóm đảng, trong đó liên đảng CDU/CSU là nhóm lớn nhất với 246 ghế, theo sau là SPD với 152 ghế, tiếp đến là AFD 91 ghế, FDP 80 ghế, đảng cảnh tả 69 ghế và đảnh Xanh 67 ghế. Số lượng ghế mà mỗi đảng nắm giữ sẽ quyết định quyền lực của nhóm đảng đó tại Hạ viện và số thành viên tại hội đồng bô lão và các ủy ban. Hiện Hạ viện Đức có 709 thành viên, trong đó có 4 hạ nghị sĩ không thuộc bất kỳ nhóm đảng nào.
Tiền lương cho nghị sĩ: Ngân sách hàng năm của Hạ viện Đức thường vào khoảng 540 – 560 triệu euro. Ngân sách này dùng để chi trả tiền lương, phụ cấp, lương hưu, tiền đi lại, trả lương cho nhân viên, chi phí văn phòng và các chi phí khác của nghị sĩ. Kể từ ngày 1/72018, mỗi hạ nghị sĩ được nhận khoảng thù lao hàng tháng là 9.780 euro. Ngoài mức này còn bao gồm các khoản phụ cấp không chịu thuế, để giúp các nghị sĩ trang trải chi phí phát sinh trong thời gian công tác. Số tiền này sẽ được ấn định vào ngày 1/1 hàng năm và hiện đang ở mức 4.339,97 euro mỗi tháng.
Phòng họp toàn thể: Phòng họp toàn thể tại Hạ viện Đức thường hiếm khi có mặt đầy đủ các hạ nghị sĩ, bởi vì họ đang làm việc tại những cơ quan khác của Hạ viện. Hạ viện sẽ không thể hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của mình nếu tất cả các nghị sĩ đều hiện diện trong phòng họp từ đầu đến cuối tất cả các phiên họp. Áp dụng nguyên tắc phân chia lao động, các nghị sĩ tự tổ chức mình vào các ủy ban, tiểu ban và nhóm làm việc. Ngoài ra, còn có rất nhiều các cuộc họp với các chuyên gia, công chúng và các nhà báo. Một hạ nghị sĩ cần hiện diện tại phòng họp khi chương trình làm việc có nội dung liên quan đến ủy ban mà nghị sĩ đó là thành viên hoặc một khu vực cử tri mà vị đó đại diện. Bên cạnh đó, dịch vụ truyền hình trong tòa nhà giúp cho các nghị sĩ liên tục theo dõi được những gì đang diễn ra tại phòng họp.
Quyền phát biểu tại Hạ viện: Theo nguyên tắc, chỉ các thành viên hạ viện, các thành viên Chính phủ Liên bang và đại diện của Hạ viện mới có quyền phát biểu tại Hạ viện. Để bảo đảm các cuộc thảo luận không kéo dài lê thê, Hội đồng bô lão khi quyết định về chương trình làm việc đã quyết định thời lượng cho mỗi cuộc thảo luận và thời gian phát biểu tối đa. Các nhóm đảng có nhiều thành viên hơn thì sẽ có nhiều thời gian phát biểu hơn và nhiều người được phép phát biểu hơn.
Những cá nhân phát biểu trước Hạ viện trong thời gian được dành cho nhóm mình, được nhóm đó lựa chọn. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phải bảo đảm rằng các nghị sĩ không phát biểu quá thời gian tối đa cho phép và hai bên trong một cuộc tranh luận đều được lần lượt phát biểu và mỗi bên đều có thể ngắt lời người phe bên kia nếu người phát biểu vượt quá thời gian cho phép.
Hình thức biểu quyết đặc biệt: Tại Hạ viện Đức có một hình thức biểu quyết đặc biệt gọi là Hammelsprung, trong đó người ta sử dụng những cảnh cửa phân chia. Nếu như các vị chủ tọa phiên họp không thể đồng ý hoặc hoài nghi về kết quả của một cuộc bỏ phiếu mở tại Hạ viện (được thực hiện theo hình thức giơ tay hoặc đứng lên), thì các cánh cửa phân chia sẽ được sử dụng. Theo đó, tất cả các nghị sĩ sẽ rời khỏi phòng họp và quay trở lại bằng cách đi qua một trong ba cánh cửa được đánh dấu Đồng ý, Không đồng ý, Trống. Các nhân viên thư ký sẽ đứng tại đó và đếm để biết được chính xác kết quả bỏ phiếu.
Thực hiện : Đinh Giang
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghi-vien-the-gioi-nhung-dieu-thu-vi-ve-ha-vien-duc