Nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ ngành y Thái Nguyên lan tỏa trên thành phố mang tên Bác

Với tinh thần 'Chống dịch như chống giặc', các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch COVID-19, trong đó có 79 cán bộ y tế đã tình nguyện vào vùng tâm dịch giúp đỡ nhân dân TP Hồ Chí Minh. Để hiểu rõ hơn sự hy sinh thầm lặng, nỗi vất vả của các y bác sĩ, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

PGS. TS Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

PGS. TS Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thưa ông, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, là bệnh viện tuyến Trung ương đứng chân trên địa bàn Thái Nguyên đã có những hỗ trợ gì trong cuộc chiến chống dịch hiện nay?

Khoảng giữa tháng 7/2021 Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là một trong 6 bệnh viện trên toàn quốc được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt. Xác định được vị trí, vai trò của bệnh viện tuyến đầu với trang thiết bị hiện đại và có lực lượng cán bộ chất lượng cao; khi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giúp các đơn vị, y tế địa phương trong và ngoài tỉnh để xây dựng cũng như huấn luyện, đào tạo chuyên môn về phòng dịch, hướng dẫn cách xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân.

Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu khu vực, chúng tôi đã tổ chức các đợt tập huấn trực tiếp và trực tuyến truyền đạt kiến thức đến các bệnh viện vệ tinh xung quanh để chủ động công tác chống dịch. Qua các đợt dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Trường đại học Y dược Thái Nguyên đã đưa nhiều cán bộ, sinh viên tăng cường công tác chống dịch COVID-19 rất hiệu quả.

Sau khi các y bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ tăng cường dập dịch ở Bắc Giang trở về, không lâu sau Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục cử đoàn cán bộ gồm 79 bác sĩ theo đề nghị của Bộ Y tế vào tăng cường cho TP Hồ Chí Minh do bác sĩ CKII Lê Hùng Vương, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc dẫn đầu. Đây là những cán bộ được lựa chọn tại các khoa: Hồi sức tích cực - Chống độc; Cấp cứu; Truyền nhiễm và Hô hấp. Các cán bộ đều có chuyên môn cao, có khả năng làm việc độc lập, sẽ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2...

Việc đưa các y bác sĩ có trình độ, nhiệt huyết với công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh là nghĩa cử cao đẹp, không chỉ thể hiện phẩm chất tốt đẹp, sẻ chia của đội ngũ cán bộ ngành y tế đang công tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà còn là tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên chung sức, đồng lòng cùng cả nước giúp đỡ TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong số 79 cán bộ y tế của Bệnh viện vào tăng cường phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh có những người cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Bắc Giang trở về. Ông có cảm nhận gì về tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp này của y bác sĩ?

Tôi ghi nhận và đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Phải nói rằng, các y, bác sĩ tuyến đầu nói chung và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói riêng hiện đang hàng ngày, hàng giờ khắc phục khó khăn, gác lại niềm vui riêng xông vào tâm dịch để xét nghiệm, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tôi biết, đến thời điểm này, có những y bác sĩ của Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên vẫn chưa được về thăm nhà và cũng chưa xác định được tới thời điểm nào thì dịch chấm dứt. Dẫu vậy, với tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, vì nhân dân quên mình, họ đã gác lại niềm vui riêng, khắc phục khó khăn vất vả, xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình để cứu người với tấm lòng y đức “Lương y như từ mẫu”... Trên hết, đó là tinh thần "Chống dịch như chống giặc", phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Tôi có nghe các y bác sĩ thông tin về, những ngày đầu tiên mới vào TP Hồ Chí Minh, các trang bị như đồ bảo hộ, nhu yếu phẩm còn thiếu, bởi khi nhận lên đường gấp, chỉ có một ngày để chuẩn bị nên anh em chưa kịp chuẩn bị đủ tư trang. Sau đó, chúng tôi đã thu xếp, cấp thêm vật tư y tế và các nhu yếu phẩm để gửi vào cho anh em như khẩu trang, găng tay, đồ dùng bảo hộ…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà và hoa cho Đoàn cán bộ y tế tình nguyện chi viện T.P Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà và hoa cho Đoàn cán bộ y tế tình nguyện chi viện T.P Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ở xa gia đình, xa người thân, tôi mong rằng các cán bộ y tế của Bệnh viện đi tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của địa phương, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong công tác, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để cùng ngành y tế cả nước sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19...

Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông có đánh giá gì về công tác phòng chống dịch và sự hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua?

Có thể nói, Thái Nguyên là một trong 8 tỉnh đến thời điểm này đã nhiều ngày không xuất hiện ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh nên công tác phòng chống dịch đã có những kết quả đáng ghi nhận. Chúng tôi đang rất quyết liệt để giữ vững được thành quả chống dịch, không để có cả mắc mới trong cộng đồng, sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên luôn luôn tuân thủ đặt ra nhiệm vụ kép, đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bởi Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh; nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu thu lại những kết quả tích cực, trong đó có cây chè đặc sản đang mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây cũng là lợi thế của Thái Nguyên.

Để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong khâu tiêu thụ nông sản của bà con và doanh nghiệp; nhất là trong công tác vận chuyển, giao thương… Thái Nguyên đã có những biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong công tác vận tải, lưu thông như: Tổ chức xét nghiệm cho lái xe, người vận chuyển nông sản... làm tốt công tác phòng, chống COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Với quyết tâm sớm khống chế được dịch bệnh, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp vào cuộc cùng với sự ủng hộ của nhân dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên công tác khống chế dập dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã có kết quả. Sau khi hết thời gian giãn cách, nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên lại bắt nhịp sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đề cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nghia-cu-cao-dep-cua-cac-chien-si-nganh-y-thai-nguyen-lan-toa-tren-thanh-pho-mang-ten-bac-20210804073851782.htm