Nghĩa đồng bào

Một chiều mưa Hà Nội trước tâm bão dịch covid 19, em Nguyễn Ngọc Trinh (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) đến trụ sở Thành Đoàn Hà Nội với số tiền trên 3 triệu đồng - số tiền em được mừng tuổi trong dịp tết vừa rồi - với mong muốn cùng anh chị đoàn viên, thanh niên Thủ đô mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho bà con, nhân dân, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Trong những ngày đại dịch quay cuồng vừa qua, nhiều người dân phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội sẽ không quên được hình ảnh về người Chủ tịch phường hết lòng với tính mạng người dân. Khi thành phố ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, điện thoại Chủ tịch phường Trúc Bạch “cháy máy” réo hàng trăm cuộc mỗi ngày.

"Mọi việc xảy đến rất nhanh", ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch nhớ về buổi chiều tối 6/3. Cuộc gọi thông báo ca nghi vấn dương tính với nCoV mở màn cho chuỗi ngày ông đánh giá là khó khăn nhất với toàn thể cán bộ, nhân dân phường từ sau ngày đất nước hòa bình. Ngoài công việc thường ngày của vị Chủ tịch phường, nay ông và đồng nghiệp phải gánh trên vai hàng trăm công việc mới phức tạp trong thực hiện quy định về cách ly khu vực liên quan đến dịch bệnh.

Trong những ngày sau đó, cả Hà Nội đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi 11 ca dương tính với nCoV lần lượt được ghi nhận tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm. Chỉ riêng bốn bệnh nhân ở phường Trúc Bạch, số người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp phải cách ly tập trung hoặc tại nhà đã hơn 800 người, tính đến ngày 13/3.

Công tác chống dịch bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn nhiều lần với số lượng ca lây nhiễm, dương tính tăng nhanh. Dòng người Việt Nam từ nước ngoài đổ về quê hương tránh dịch tăng đột biến. Riêng ngày 18/3, tại sân bay Nội Bài đã có 2715 khách nhập cảnh (bao gồm cả từ vùng dịch và vùng chưa xuất hiện dịch). Hàng nghìn y bác sỹ, nhân viên y tế, an ninh, hàng không, vận chuyển phải căng mình thực hiện kiểm tra y tế, cách ly, phục vụ cho nhu cầu của hơn 2700 người nhập cảnh. Công việc như núi trước mặt, nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng những cánh tay y bác sỹ, nhân viên hàng không vẫn thoăn thoắt các thao tác kỹ thuật-nghiệp vụ chính xác.

Không có ai lùi lại phía sau! Tất cả đều hướng ra tiền tuyến. Dường như những hình ảnh xúc động ấy đã truyền đi trong trái tim những người Việt trẻ. Cả trăm sinh viên Đại học Y Hà Nội xung phong tình nguyện tham gia làm việc tại sân bay Nội Bài. Đây là toàn bộ số sinh viên năm cuối của khối y học dự phòng đang học tập tại trường. “Tất cả đều viết đơn tình nguyện làm việc theo sự phân công”, đại diện nhà trường cho hay. Chiều 18/3, thành phố Hà Nội đã ghi nhận mong muốn của 280 bác sĩ, y tá về nghỉ hưu và 700 sinh viên các trường y khoa tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19…Những dòng thông tin ấy đang như có sức mạnh diệu kỳ truyền đi trong mỗi người con dân Việt! Trong những lúc khó khăn nhất, tinh thần xung phong tình nguyện lại rực cháy.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch covid 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trường hợp người Việt Nam thực sự cần thiết phải về nước, Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn nỗ lực để thực hiện các biện pháp cần thiết để lo cho bà con. “Lo cho bà con tốt nhất có thể, đó là nghĩa đồng bào”, Phó thủ tướng nói.

Minh Tuấn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/toi-nghi/nghia-dong-bao-1634598.tpo