Nghĩa Hưng ưu tiên phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung
Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng...
Trước đây tình trạng nhiều vùng nuôi thủy sản chưa được quy hoạch chi tiết, người dân tự phát nuôi thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu theo kinh nghiệm, ít ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng thủy sản sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất bừa bãi không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mua những loại hóa chất giá rẻ, trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng… khiến tình hình dịch bệnh thủy sản diễn biến phức tạp, khó kiểm soát an toàn cho các đối tượng thủy sản nuôi, chất lượng con giống, bảo vệ môi trường nước. Để khắc phục những khó khăn trên, UBND huyện đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi thủy sản, kiên quyết quản lý nuôi theo quy hoạch, tránh nuôi tự phát tràn lan, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Để đảm bảo nguồn điện phục vụ nuôi thủy sản tại các vùng nuôi, huyện đã phối hợp với Công ty Điện lực Nam Định đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp trên 20km đường dây trung thế 22kV và đường dây hạ thế 0,4kV, các trạm biến áp 22/0,4kV cùng một số hạng mục công trình khác. Nguồn điện cung ứng đến khu vực nuôi tôm của huyện được lấy từ các lộ đường dây 22kV 471, 475 Trạm 110kV Nghĩa Lạc, trong đó toàn bộ các hộ nuôi tôm đều sử dụng điện từ 7 trạm biến áp của ngành Điện. Cồn Xanh là vùng nuôi thủy sản tập trung nên hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, từ thủy lợi, giao thông đến các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất, giao cho 4 xã quản lý gồm: Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành và Nam Điền. Việc sản xuất của các hộ dân được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng cơ cấu, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cụ thể, tập trung vào hai đối tượng chính là tôm sú, cua biển là những giống phù hợp với môi trường vùng bãi bồi và có giá trị kinh tế cao; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mở các lớp tập huấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả giúp các hộ nuôi thả thành công. Nhờ đó, nhiều hộ nuôi thủy sản ở vùng Cồn Xanh có lãi từ 200-600 triệu đồng mỗi năm như hộ các ông: Vũ Văn Thuần, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Thoan… Tại vùng nuôi thủy sản Đông Nam Điền được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, thủy lợi đáp ứng yêu cầu nuôi thủy sản tập trung, tạo thuận lợi cho các hộ nuôi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Các hộ đã tích cực đầu tư cải tạo ao nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng diện tích nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống bớp 85ha; cá song, cá vược gần 200ha; tôm thẻ chân trắng và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm: tu hài, ngao, vạng. Xã Nam Điền có gần 300ha nuôi thủy sản. Để đảm bảo nuôi thủy sản phát triển ổn định, bền vững, xã đã quy hoạch vùng nuôi tập trung; Ban Nông nghiệp xã phối hợp chỉ đạo hợp tác xã vận động các hộ sản xuất chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi thủy sản trong vùng đã được quy hoạch, đảm bảo các hộ nuôi cùng xử lý nguồn nước, chia sẻ tình hình và cách phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi, hỗ trợ trong việc trông coi, bảo vệ an ninh trật tự ở vùng nuôi. Việc sản xuất tập trung, tăng cường hợp tác giúp quá trình nuôi đảm bảo hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả, các hộ thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha/năm... Ở vùng nuôi nước ngọt tập trung của các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi và Nghĩa Châu duy trì các đối tượng nuôi truyền thống như cá trắm, chép, trôi, mè cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. Phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung đã giúp người nuôi được tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị máy móc và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển các mô hình nuôi thủy hải sản theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thuận lợi trong công tác quan trắc môi trường, phát hiện cảnh báo sớm những diễn biến bất lợi đối với các đối tượng nuôi như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao… giúp người nuôi tránh được những rủi ro trong quá trình sản xuất. Việc tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật xử lý nước, thu hoạch, thả giống đúng thời điểm, tránh lấy nước vào ao nuôi khi môi trường bất lợi; công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và sẵn sàng áp dụng các biện pháp để xử lý dịch bệnh phát sinh.
Kết quả nuôi thủy sản của huyện Nghĩa Hưng thời gian qua đã cho thấy tính tất yếu phải phát triển nuôi thủy sản tập trung theo hướng hàng hóa. Do vậy thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tập trung phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, hỗ trợ và hướng dẫn các hộ nuôi đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các vùng nuôi thủy sản tập trung. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản. Từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản của địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục các vấn đề môi trường trong nuôi thủy sản, đảm bảo các hộ nuôi thủy sản phải xử lý nước thải theo quy định trước khi xả ra môi trường vì sự phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản cũng như bảo vệ môi trường chung./.
Bài và ảnh: Văn Đại