Nghĩa tận với đồng bào tử vong do Covid-19

Trong rất nhiều nhiệm vụ được Bộ Tư lệnh TP.HCM triển khai, có lẽ nhiệm vụ mà các Đội xử lý thi hài nạn nhân Covid-19 là đặc biệt nhất.

Những ngày cuối năm, dù tình hình dịch đã “hạ nhiệt” nhưng tại Bộ Tư lệnh TP.HCM, những đoàn công tác đặc biệt đưa tro cốt các nạn nhân tử vong do Covid-19 về quê tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc... vẫn được triển khai.

Việc làm đầy tình nghĩa, nhân văn này giúp thân nhân của họ phần nào vơi đi nỗi đau quá lớn…

Đoàn công tác đặc biệt chuyển tro cốt nạn nhân đi miền Trung

Đoàn công tác đặc biệt chuyển tro cốt nạn nhân đi miền Trung

Những chuyến đi đặc biệt ngày cuối năm

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, người trực tiếp dẫn đoàn dặn dò các thành viên: “Theo lịch, đoàn chúng ta sẽ di chuyển liên tục 12 ngày. Mỗi ngày sẽ đều dừng lại vừa để trao tro cốt nạn nhân cho người thân, vừa thắp nhang đèn, cúng cơm cho vong linh các nạn nhân chưa về đến nhà”.

Mở cửa cho mọi người lên xe, Đại úy Nguyễn Tiến Quyên, nhân viên lái xe Phòng Hậu cần tâm sự: “Cuộc đời tôi đã đi hàng nghìn chuyến công tác nhưng chuyến đi này chắc chắn là đặc biệt nhất và nhiều cảm xúc nhất”.

Do tính chất dịch bệnh phức tạp, mỗi khi đến bữa, đoàn công tác chỉ lót dạ bằng thực phẩm mang theo và tiếp tục hành trình.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bàn giao 280 bộ tro cốt về với gia đình các nạn nhân tử vong, hiện còn 19 bộ tro cốt của các nạn nhân có gia đình tại miền Trung và miền Bắc. Bộ Tư lệnh thành phố đã phối hợp với Quân khu 1, 3, 4, 5 liên hệ với gia đình các nạn nhân để đối chiếu thông tin, làm công tác chuẩn bị, để Tổ công tác đặc biệt để đưa tro cốt các nạn nhân về quê.

Vượt qua quãng đường 700km, đoàn có mặt tại TX An Nhơn, tỉnh Bình Định để đưa tro cốt của bệnh nhân Nguyễn Thị Trường về với gia đình.

Con gái bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Kiều mặc dù được thông báo trước, vẫn không khỏi thảng thốt, xúc động khi thấy xe của đoàn công tác đặc biệt xuất hiện.

Mắt đỏ hoe, sưng húp, chị Kiều ôm tro cốt của mẹ vào lòng kể: Nhà chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau để sống.

Để kiếm chút tiền chi tiêu, bà Trường dặn chị Kiều ở lại quê chăm sóc nhà cửa và làm công nhân trong một công ty gần nhà. Còn bà vào TP.HCM làm giúp việc cho một trường mầm non.

“Nào ngờ, mới vào thành phố được 10 ngày thì mẹ nhiễm bệnh và qua đời. Mẹ con mình còn vườn cây thuốc chưa trồng. Mẹ con mình hẹn nhau rồi mà mẹ…”, chị Kiều nức nở.

Sau gần 2 giờ được đoàn công tác hỗ trợ sắp xếp bàn thờ, nhang đèn cho mẹ, chị Kiều không khỏi xúc động nói: “Hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng không thể vào thành phố nhận tro cốt mẹ, hay tin mẹ mất mà chỉ biết khóc và trông đợi ngày này qua ngày khác. Các chiến sĩ hỗ trợ trao tận nơi và giúp chăm lo hậu sự cho mẹ tôi như người thân trong gia đình”.

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM thắp nhang chia buồn cùng gia đình các nạn nhân

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM thắp nhang chia buồn cùng gia đình các nạn nhân

Đoàn công tác tiếp tục hành trình về Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trao tro cốt cùng vật dụng cá nhân của anh Trần Hữu Kình cho người thân. Đoàn xe đi qua những khoảng đất hun hút của gió Lào cát trắng, tâm trạng mọi người như chùng lại.

Đoàn xe còn cách nơi đến gần trăm mét, một người phụ nữ trạc 60 tuổi - mẹ anh Kình đã quỵ xuống từ xa, hai người dìu hai bên. “Ông trời ơi, sao lại để người tóc bạc khóc người tóc xanh. Sao nghiệt ngã như ri…”, bà lặp đi lặp lại câu nói trong niềm đau xót.

Khi đoàn người đưa tro cốt anh Kình ra đồng, anh Trần Văn Diệp thầm thì với người em trai đã mất vì Covid-19: “Em ơi, về quê nhà rồi, chừ em không lo áo cơm chi hết nữa. Bao năm nay em lo lắng cho gia đình ta nhiều rồi”.

Hành trình của đoàn công tác đặc biệt lại tiếp tục, đến 13h có mặt tại Nhà tang lễ tỉnh Thanh Hóa để bàn giao 6 hũ đựng tro cốt cho gia đình bệnh nhân ở các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định và Triệu Sơn.

Hầu hết các bệnh nhân đều do hoàn cảnh quá khó khăn phải rời quê hương vào TP.HCM làm công nhân, giúp việc. Khi đến nhận tro cốt người thân, có nhiều người vẫn còn đi một chiếc xe máy cũ gỉ sét nhiều chỗ, bánh xe dính đầy bùn đất đồi nương.

Trong không khí trang nghiêm, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo đã chia sẻ, động viên các gia đình có người thân tử vong trong đại dịch khi vào TP.HCM làm ăn sinh sống, đồng thời, gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp, hỗ trợ đoàn công tác đặc biệt hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân được chu toàn, trọn vẹn nghĩa tình.

Chiến binh thầm lặng

Chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố kiểm đếm và sắp xếp lịch trao trả tro cốt các nạn nhân qua đời vì Covid-19 cho người thân

Chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố kiểm đếm và sắp xếp lịch trao trả tro cốt các nạn nhân qua đời vì Covid-19 cho người thân

Trong rất nhiều nhiệm vụ được Bộ Tư lệnh TP.HCM triển khai, có lẽ nhiệm vụ mà các Đội xử lý thi hài nạn nhân Covid-19 là đặc biệt nhất. Rất nhiều chiến sĩ trẻ ban đầu có cảm xúc lo lắng lẫn sợ hãi vì trực tiếp khâm liệm thi hài. Nhưng sau khi được ban lãnh đạo, các đồng đội động viên, họ đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chiến sĩ Hà Đoàn Công Thành, thuộc Ban chỉ huy Quân sự quận 7 - thành viên Đội Xử lý thi hài nạn nhân Covid-19 tâm sự: “Tôi nhớ lại lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ là khoảng 1h sáng, tổ chúng tôi gồm 5 người vừa kết thúc ca trực nhận được thông báo có nạn nhân vừa mới tử vong trong hẻm sâu cần chuyển đi hỏa táng. 4 đồng chí trong đoàn đi trước, còn tôi do sợ quá nên nói dối để ở ngoài trông xe. Sau đó tôi còn cố gắng kiếm một chỗ thật sáng để đứng”.

Sau khi nghe chỉ huy báo “ca tử vong này là mẹ của một chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ”, Thành bỗng cảm thấy cần vượt qua nỗi sợ mơ hồ của bản thân và có động lực để làm việc cùng các đồng đội.

Liên tục nhiều ngày làm nhiệm vụ, Thành đã hiểu ra rằng, những nạn nhân không may tử vong vì Covid-19, họ cũng có gia đình, người thân quen nhưng không thể đến với họ vào lúc này. Vì vậy, nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sỹ Đội Xử lý thi hài chính là trọng trách thiêng liêng, chia sẻ nỗi mất mát với đồng bào.

“Lúc này, chúng tôi chính là người thân của các nạn nhân và bản thân chúng tôi cần nỗ lực hết sức mình đưa họ về nơi an nghỉ, về với gia đình”, Thành nói.

Nhớ lại giai đoạn cao điểm mà thành phố đang ở đỉnh dịch, chiến sĩ Dương Thanh Hoàng, cùng thuộc Ban chỉ huy Quân sự quận 7 cho biết: “Mỗi ngày cao điểm chúng tôi thực hiện thủ tục hỏa táng từ 10 - 15 ca tử vong. Thời gian đầu khi mới nhận nhiệm vụ, không chỉ lo sợ mà còn lúng túng tay chân, mất thời gian rất lâu.

Tối nằm ngủ nằm mơ còn thấy lại cảnh đang chuyển các thi hài đi. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, tôi lại nhận được tin mẹ bị dương tính Covid-19, lúc đó tôi rất buồn và hoang mang, chỉ sợ mẹ có gì không may thì tôi khó về kịp. May mắn, sau đó mẹ tôi đã khỏi bệnh và mạnh khỏe”.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, khi thành phố vào giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, lực lượng vũ trang đã được điều động kịp thời để giúp dân như vận chuyển lương thực, ô xy đến với người bệnh, người cách ly; tiếp nhận, xử lý, vận chuyển, hỏa táng thi hài nạn nhân Covid-19...

Khi đỉnh dịch qua đi, Bộ Tư lệnh đã thành lập các Đội công tác đặc biệt để làm nhiệm vụ đặc biệt và bàn giao tro cốt người tử vong do nhiễm Covid-19...

Các cán bộ, chiến sỹ luôn trân trọng nạn nhân Covid-19 như những người thân trong gia đình. Những giọt nước mắt đồng cảm, xót xa, làm việc bằng cả tấm lòng, trách nhiệm, trái tim người chiến sĩ đã thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc vốn có ở những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Minh Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghia-tan-voi-dong-bao-tu-vong-do-covid-19-d540970.html