Nghĩa tình bên dòng Pô Kô

Nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển, mới đây, làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) và làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) đã tổ chức kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực.

Tình đoàn kết bền chặt

Sáng sớm, già làng Siu Tới đã thức dậy, mặc bộ áo quần thật đẹp rồi đến Nhà văn hóa làng Biă. Ở đó, không chỉ có già Tới mà còn có đông đủ các thành viên trong Ban Nhân dân thôn và khá đông người dân. Ai cũng háo hức chờ đón người dân làng Phí và chứng kiến giây phút đại diện 2 ngôi làng lâu nay vẫn uống chung dòng Pô Kô kết nghĩa anh em. Già làng Siu Tới thông tin: Làng Biă hiện có 280 hộ với 1.100 khẩu, trong đó có 138 hộ dân tộc Jrai. Hiện làng chỉ còn 21 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, già yếu, không nơi nương tựa... Nói về tình đoàn kết của cư dân hai bên biên giới, già Tới bộc bạch: “Trong quá khứ, người dân 2 làng đã có mối quan hệ gắn bó, thân tình, thường xuyên qua lại trao đổi, thăm thân. Tuy nhiên, theo thời gian, những người già từng quen biết nhau đều đã qua đời, thế hệ trẻ sau này lại ít có dịp gặp gỡ, giao lưu. Do đó, chúng tôi hy vọng việc kết nghĩa sẽ tăng cường mối quan hệ thân thuộc vốn có”.

Lễ ký kết quy chế kết nghĩa giữa làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) và làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: A.H

Lễ ký kết quy chế kết nghĩa giữa làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) và làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: A.H

Sau khi thông tin về dân số của làng Phí với 171 hộ dân, hơn 1.000 khẩu cũng như tình hình kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân, già làng Siu Sơnh bày tỏ: “Qua hoạt động kết nghĩa, chúng tôi mong rằng việc qua lại thăm thân giữa cư dân 2 làng thuận lợi hơn và tình đoàn kết ngày càng bền chặt”. Tại lễ kết nghĩa, ông Siu Suen-Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sê San-nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn mối đoàn kết vốn có giữa 2 cụm dân cư, không để cái xấu bên ngoài tác động và chung tay xây dựng biên giới hòa thuận, không xảy ra tranh chấp, con cháu qua lại thăm thân thuận lợi...”.

Cùng nhau xây dựng biên giới ổn định

Đến nay, có 5 làng trên khu vực biên giới của tỉnh kết nghĩa với 5 làng thuộc tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), đó là các làng: Sơn (xã Ia Nan), Mook Đen 1 (xã Ia Dom), Bua (xã Ia Pnôn) thuộc huyện Đức Cơ kết nghĩa với các làng: Lâm, Pó Lớn (xã Pó Nhầy), Đo Nhỏ (xã Ozatung, huyện Oyadav); làng Bi (xã Ia O), làng Biă (xã Ia Chía) thuộc huyện Ia Grai kết nghĩa với làng Tăng Lôm (xã Nhang, huyện Đun Mia), làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav).

Sau khi trao đổi thông tin, đại diện 2 làng đã cùng nhau ký kết quy chế kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, trong đó quy định rõ ràng về nội dung, trách nhiệm mỗi bên. Ông Siu Phim-Trưởng thôn Biă-cho biết: Cư dân hai bên biên giới đa phần là người Jrai, có nhiều nét tương đồng về văn hóa nên cũng dễ dàng trao đổi. Trên cơ sở mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đã có từ trước, 2 cụm dân cư thống nhất có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc và dấu hiệu vành đai, khu vực biên giới; không làm hư hỏng, xê dịch cột mốc, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm. Bảo vệ nguyên trạng, không làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới; không đắp kè, khơi dòng chảy, khai thác khoáng sản trái phép trên khu vực biên giới gây ảnh hưởng đến đường biên giới đã phân định, đường biên giới hiện quản. Chấp hành nghiêm các quy định về qua lại biên giới, không xâm canh, xâm cư qua biên giới; không chứa chấp, che giấu, đưa đón, câu móc, dẫn đường cho người vượt biên giới quốc gia; không tham gia hoặc khuyến khích, dung túng việc lấy vợ, chồng trái pháp luật, tảo hôn giữa nhân dân hai bên biên giới...

Nói thêm về trách nhiệm của mỗi bên, ông Siu Đươn-Trưởng thôn Phí-cho hay: Khi có dịch bệnh xảy ra đối với người, cây trồng và vật nuôi, hai bên cần kịp thời thông báo ngay cho nhau; tạo điều kiện hỗ trợ cấp cứu, khám-chữa bệnh cho nhân dân và phối hợp phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng-chống dịch bệnh, không để lây lan qua biên giới. Hai bên tạo điều kiện giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, hướng dẫn, trao đổi, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hợp tác xây dựng một số công trình nhỏ phục vụ đời sống sinh hoạt, học tập của nhân dân.

Nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa của hoạt động kết nghĩa cụm dân cư, Chủ tịch UBND xã Ia Chía-ông Kpă Gian cũng khẳng định: “Việc kết nghĩa này là bền chặt chứ không phải nay kết nghĩa rồi ngày mai, ngày mốt sẽ quên nhau. Nếu trong tương lai, người dân làng Phí có khó khăn gì cần giúp đỡ hoặc có người đau ốm cần phải qua bên này khám-chữa bệnh thì người dân làng Biă nói riêng, cấp ủy chính quyền địa phương nói chung sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ”.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201910/nghia-tinh-ben-dong-po-ko-5653806/