Nghĩa tình Cảnh sát cơ động và những cuộc hành quân dã ngoại nơi buôn làng
Nói đến Cảnh sát cơ động người ta nghĩ ngay người lính với bộ quân phục, luôn có mặt ở các 'điểm nóng' trấn áp tội phạm. Thế nhưng, qua những chuyến dã ngoại về buôn làng vùng sâu xa mới thấy hết tình quân dân ấm áp. Những người chiến sĩ bám buôn làng, đồng cam cộng khổ với nhân dân, được dân tin, dân yêu.
Một ngày tháng 4, giữa nắng gắt mùa khô Tây Nguyên, cùng đồng đội dọn dẹp quanh bến nước tại xã Cư Né (huyện Krông Búk), Thượng úy Nguyễn Thị Khánh Vân, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ mong muốn đưa sức trẻ đến với buôn làng vùng sâu xa. Mặc dù chỉ góp một chút sức nhỏ của mình nhưng phần nào hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Chương trình hành quân về buôn làng là một trong các hoạt động lớn, thường xuyên của phòng Cảnh sát cơ động. Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt, xung kích trong các hoạt động của đoàn.
Chị H’Ruyn (xã Cư Né) lấy nước ở bến nước buôn Drao cho hay, mới đây các chiến sĩ cảnh sát cơ động về giúp bà con tu sửa và dọn dẹp xung quanh khu vực bến nước trước ngày diễn ra lễ cúng bến nước. Bến nước không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây mà còn là biểu tượng văn hóa truyền thống đậm bản sắc người Tây Nguyên. Việc giữ gìn bến nước là trách nhiệm của cả buôn làng.
Thiếu tá Hoàng Thị Kim Phượng, Đội trưởng Đội Chính trị hậu cần, Phòng Cảnh sát cơ động chia sẻ, đơn vị có khẩu hiệu hành động “Xây dựng hình ảnh người cảnh sát cơ động trong lòng nhân dân”. Hằng năm đơn vị tổ chức hướng về cơ sở, hoạt động thiện nguyện. Nằm trong chuỗi các hoạt động lao động giúp dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, Phòng Cảnh sát Cơ động phối hợp với Công an huyện Krông Búk, chính quyền, đoàn thể địa phương phát quang bụi rậm, tu sửa bến nước. Trên tinh thần lá lành đùm lá rách, đoàn trao tặng 50 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn buôn Đrao và buôn Ktâng Đrun.
Gia đình ông Y Thuy Niê (53 tuổi, buôn Đrao) là 1 trong 50 hộ được nhận quà, cảm động: “Chúng tôi rất biết ơn các cán bộ chiến sĩ. Mỗi năm, các cô chú ấy về với bà con vừa giúp dân dọn dẹp bến nước, thu hoạch vụ mùa, tặng quà cho hộ gia đình khó khăn trên địa bàn”.
Gia đình ông Y Thuy là hộ nghèo. Hai vợ chồng ông nuôi bố mẹ già và 4 người con. Nhà có 4 sào trồng cà phê. Hằng năm, vợ chồng phải đi làm thuê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Theo thiếu tá Phượng, mỗi năm phòng tổ chức 5-7 đợt hành quân, mỗi đợt khoảng 50 chiến sĩ về các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ăn, ở, lao động cùng dân. Hành quân dã ngoại là hoạt động được Phòng Cảnh sát Cơ động duy trì thực hiện thường xuyên nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng công an với quần chúng nhân dân; tạo môi trường cho cán bộ, chiến sĩ rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng sống, quan hệ ứng xử; thể hiện tinh thần “xung kích, tình nguyện, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng công an.
Những chuyến hành quân về buôn làng đã giúp trung sĩ Y Sen Mdrang chín chắn hơn, thấu hiểu tình quân dân, trải nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống, rèn kỹ năng phòng vệ tốt.
Trung sĩ Y Sen chia sẻ, nhớ nhất chuyến về xã Yang Tao (huyện Lắk). Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94%, người dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống rất khó khăn. Anh và đồng đội ở đây 1 tuần cùng người dân dọn dẹp, phát quang đường, vệ sinh môi trường, thu hoạch vụ lúa; giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật… Khi các chiến sĩ rút quân, bà con nơi đây bịn rịn.
Trải lòng về kỷ niệm nhớ nhất, trung sĩ Y Sen cho hay, hôm ấy trời nắng gắt, anh đang phát cỏ, nhìn thấy một phụ nữ địu con phía sau lưng đi làm rẫy, những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng. Anh chợt nghĩ đến mẹ mình. Khi Y Sen 1,2 tuổi, mẹ thường địu anh trên lưng đi làm, vì cuộc sống ngày đó khổ cực, gia đình chỉ có vài sào trồng lúa và hoa màu. Cũng sinh ra và lớn lên ở buôn làng, Y Sen thấu hiểu được nỗi khổ cực của bà con. Anh tự hứa với bản thân sẽ rèn luyện thật tốt, có điều kiện giúp buôn làng mình nhiều hơn.
Với những việc làm thiết thực, không ngại khó, ngại khổ, lối sống gần gũi với nhân dân, lực lượng hành quân luôn được chính quyền địa phương và nhân dân quý mến. Qua những cuộc hành quân dã ngoại góp phần giữ gìn an ninh trật tự, gắn chặt hơn tình cảm của quân với dân, xây dựng hình ảnh, ấn tượng đẹp về người chiến sỹ công an nhân dân trong lòng nhân dân luôn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Bên cạnh đó, với phương châm một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại, Phòng Cảnh sát cơ động tổ chức cho cán bộ chiến sĩ tham gia nhiều đợt hiến máu nhân đạo đóng góp hàng trăm đơn vị máu vào các chương trình Chủ nhật Đỏ của báo Tiền Phong; Hành trình đỏ, hiến máu đột xuất cứu người khi có những ca cấp cứu cần máu gấp.