Nghĩa tình của những cựu chiến binh hải quân

Lần nào cũng vậy, những cuộc gặp gỡ thân tình hằng năm của các thế hệ cựu chiến binh (CCB) hải quân tỉnh Hà Nam luôn có một không khí rất đặc biệt. Cùng với niềm vui, phấn khởi được gặp gỡ, giao lưu là tâm trạng bồi hồi, xúc động với bao câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ về một thời trận mạc đã trải. Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa, những người lính hải quân từng vào sinh ra tử năm xưa còn luôn sát cánh cùng nhau chia sẻ khó khăn, động viên nhau nỗ lực xây dựng cuộc sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Lần nào cũng vậy, những cuộc gặp gỡ thân tình hằng năm của các thế hệ cựu chiến binh (CCB) hải quân tỉnh Hà Nam luôn có một không khí rất đặc biệt. Cùng với niềm vui, phấn khởi được gặp gỡ, giao lưu là tâm trạng bồi hồi, xúc động với bao câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ về một thời trận mạc đã trải. Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa, những người lính hải quân từng vào sinh ra tử năm xưa còn luôn sát cánh cùng nhau chia sẻ khó khăn, động viên nhau nỗ lực xây dựng cuộc sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Mang theo những xúc cảm đặc biệt sau lần gặp gỡ đồng đội nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (tháng 5/2023), Đại tá Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam chia sẻ: Dù tham gia công tác, chiến đấu ở nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng cả trong thời chiến năm xưa, thời bình hôm nay, những người lính hải quân luôn thể hiện rõ nét tinh thần kiên trung, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính ấy khi rời quân ngũ, trở về đời thường lại tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2010 là Ban liên lạc; đến 2019 tổ chức hội chính thức được thành lập) đến nay toàn hội đã kết nạp 363 hội viên ở 6 huyện, thành phố, thị xã. Tham gia tổ chức hội, hầu hết cán bộ, hội viên CCB hải quân luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, hăng hái, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động và phong trào thi đua ở địa phương. Đặc biệt, cán bộ, hội viên luôn tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Cán bộ Hội Truyền thống Hải quân tỉnh trao kinh phí hỗ trợ gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Dung Năng

Một trong những việc làm nghĩa tình được Hội Truyền thống Hải quân Hà Nam rất chú trọng thực hiện nhiều năm qua, đó là kết nối, vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa đối với cán bộ, hội viên và thân nhân gia đình liệt sĩ hải quân. Hằng năm, thông qua rà soát, nắm tình hình, thăm hỏi, động viên, tổ chức hội các cấp trong tỉnh đã thống kê những hội viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ cách làm này, 3 năm qua, Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam đã kết nối, đề nghị Quân chủng Hải quân hỗ trợ kinh phí xây dựng một nhà tình nghĩa giúp thân nhân Liệt sĩ Lê Công Thương, thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) với số tiền 80 triệu đồng; hỗ trợ một gia đình thương binh nặng sửa chữa nhà ở với số tiền 40 triệu đồng; tặng quà 5 gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã công tác, chiến đấu ở vùng biển Quần đảo Trường Sa (5 triệu đồng/gia đình). Hội cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 176 lượt hội viên ốm đau; tổ chức tốt hoạt động hiếu nghĩa khi có hội viên qua đời… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam còn tích cực tham gia hoạt động tìm kiếm thông tin liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và trực tiếp cùng gia đình tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ ở khắp các chiến trường đưa về quê hương.

CCB Lê Thái Ất, thương binh hạng 4/4, trú tại phường Duy Hải (thị xã Duy Tiên) từng có những năm tháng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, chiến dịch, từ chiến dịch Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng…, đến tham gia chốt giữ, bảo vệ Quần đảo Trường Sa (từ tháng 7/1975). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương, CCB Lê Thái Ất cùng người thân rất tích cực tham gia phát triển kinh tế, nhưng do không may con mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Cảm thông, chia sẻ với gia đình CCB Lê Thái Ất, Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam đã kết nối, đề nghị Quân chủng Hải quân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ gia đình ông sửa chữa nhà ở. Khoản kinh phí 40 triệu đồng tuy chưa phải là lớn, nhưng phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn. Được hỗ trợ tiền sửa chữa nhà ở, CCB Lê Thái Ất xúc động bày tỏ: Tôi rất cảm ơn tấm lòng của cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam, các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, vất vả để giúp đỡ gia đình tôi. Những người lính từng tham gia chiến đấu năm xưa nay vẫn bên nhau, vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội…

Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động nghĩa tình nói riêng, hoạt động hội nói chung, cùng với vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, cán bộ, hội viên CCB hải quân trong tỉnh đã tự nguyện tiết kiệm chi tiêu, đóng góp xây dựng quỹ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. CCB Phạm Đức Hiểu (Tổ 2, Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) là một trong số những cán bộ, hội viên tích cực tham gia hoạt động tình nghĩa. Ông không chỉ tham gia kết nối, vận động hỗ trợ gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn, mà còn trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng trong cả nước để tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Không quản ngại vất vả, khó khăn, ông từng nhiều lần “vào Nam, ra Bắc” để hỗ trợ các gia đình tìm kiếm thông tin, làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Với CCB Phạm Đức Hiểu, mỗi lần giúp đỡ, hỗ trợ một gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về quê là mỗi lần ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Trải lòng về những việc làm của mình, CCB Phạm Đức Hiểu tâm sự: Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó không ít những liệt sĩ đang phải nằm lại nơi chiến trường, chưa xác định được thông tin. Tôi biết rằng, rất nhiều gia đình liệt sĩ mong muốn có được những thông tin về người thân, nơi an táng… để thực hiện ước nguyện chăm sóc, hương khói và quy tập về quê nhà. Chính vì vậy, nhiều năm qua, tôi đã đi đến nhiều địa phương là chiến trường năm xưa để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và đã cùng với đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc trở về quê nhà; cung cấp thông tin cho rất nhiều gia đình liệt sĩ ở khắp các tỉnh, thành phố; kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đối với 29 gia đình; hỗ trợ xây, sửa nhà ở, ổn định cuộc sống cho hơn 10 gia đình chính sách; vận động hỗ trợ và gửi quà tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền hằng năm, góp phần động viên anh em yên tâm công tác, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những người lính hải quân năm xưa nay phần lớn đều đã cao tuổi, nhưng trong họ tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến vẫn luôn tỏa sáng. Những việc làm nghĩa tình của Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam nhiều năm qua đã và đang góp phần tô thắm truyền thống cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Phương Dung

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/nghia-tinh-cua-nhung-cuu-chien-binh-hai-quan-98595.html