Nghĩa tình Đồng Nai với đồng bào miền Trung
Trong tháng 10 vừa qua, nhiều trận bão lũ liên tiếp xảy ra đã gây tổn thất nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung. Nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung ruột thịt, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Đồng Nai đã ra sức vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh và tổ chức nhiều chuyến hàng cứu trợ cho người dân tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh...
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, các chuyến đi cứu trợ miền Trung của Hội mang theo tấm lòng của người Đồng Nai hướng về người dân vùng bão lũ, với mong muốn giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn, vất vả, sớm khắc phục thiệt hại, giảm bớt đau thương, mất mát, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
* Đến với đồng bào bị thiệt hại nặng do bão lũ
Theo kế hoạch, chuyến cứu trợ đợt 2 của Hội CTĐ tỉnh bắt đầu ngày 28-10, nhưng do “siêu bão” số 9 trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nên đoàn quyết định dời lại 2 ngày và xuất phát vào 5 giờ sáng 30-10. Chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho các thành viên trong đoàn.
Trên cung đường đi, nhiều đoạn quốc lộ 1 xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi”; đường xấu, giằng sốc, trong khi các xe tải phải “cõng” lượng hàng cứu trợ lớn. Một chiếc xe tải 10 tấn của đoàn bị cán đinh trên đường đi đã phải thay 2 bánh xe, cân lại niềng, khiến thời gian di chuyển của đoàn bị chậm lại. Vì vậy, đoàn quyết định đi xuyên đêm để cố gắng mang những phần quà của người Đồng Nai trao tận tay người dân miền Trung trong thời gian sớm nhất.
23 giờ 30 ngày 30-10, Đoàn đến xã Nghĩa Hòa (H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Do giấy mời người dân đến nhận quà đã xác định thời gian nên đoàn quyết định chia làm hai nhóm, một nhóm ở lại xã Nghĩa Hòa để tặng 300 phần quà cho người dân Quảng Ngãi vào sáng 31-10. Nhóm còn lại tiếp tục lên xe tải lúc 0 giờ 30 để đi thẳng ra tỉnh Quảng Nam.
4 giờ sáng 31-10 tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), các thành viên trong đoàn chỉ kịp nghỉ ngơi 45 phút, sau đó tiến hành vận chuyển 700 phần quà từ xe tải lớn sang 3 xe tải nhỏ (loại 3 tấn) để kịp đưa lên cứu trợ cho người dân tại 2 huyện miền núi Nam Trà My và Bắc trà My (tỉnh Quảng Nam). Trận “siêu bão” số 9 đã khiến nơi đây chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt tại xã Trà Leng (H.Nam Trà My) bị sạt lở đất đá, gây thiệt mạng trên 30 người dân.
Trên cung đường đi cứu trợ, nhiều thành viên trong đoàn đã không kiềm được xúc động khi chứng kiến những vết tích do mưa bão tàn phá. Nhiều đoạn đường bị sạt lở, hư hỏng khiến xe cộ lưu thông khó khăn. Nhiều nhà cửa bị đổ sập khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, tài sản của dân bị vùi lấp; vườn cây trồng bị bật gốc, gãy đổ hoàn toàn.
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trà Kót (H.Bắc Trà My) cho biết, Trà Kót là một xã vùng sâu của H.Bắc Trà My với 99% người dân đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xã có 350 hộ với gần 1,6 ngàn nhân khẩu; trong đó, có 133 hộ nghèo và 70 hộ cận nghèo.
“Nguồn sống chính của người dân là dựa vào cây keo. Nhiều gia đình phải vay mượn tiền để trồng keo. Thế nhưng, trận bão vừa qua đã gây đổ ngã hoàn toàn những vườn keo từ 1-5 năm tuổi, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần” - ông Tuấn cho hay.
Rời tỉnh Quảng Nam, đoàn tiếp tục vượt chặng đường dài hàng trăm cây số để đến cứu trợ cho người dân tại các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Người dân miền Trung chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp nhưng những trận bão lũ liên tiếp xảy ra, nước dâng cao, kéo dài nhiều ngày đã nhấn chìm nhiều nhà cửa cùng tài sản, cây trồng, vật nuôi của người dân. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Lê Trọng Khang, cán bộ UBND xã Triệu Long, H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, xã Triệu Long được xem là “rốn lũ” của H.Triệu Phong nên năm nào cũng chịu ảnh hưởng của mưa bão. Chỉ riêng tháng 10 vừa qua, địa phương phải hứng chịu liên tiếp 5 trận bão lũ, khiến phần lớn các hộ dân đều gặp rất nhiều khó khăn và rất cần sự cứu trợ của các tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái.
* Chia sẻ đau thương, mất mát
Đau lòng hơn là bão lũ đã gây thiệt hại nặng về người, khiến cho bao gia đình chịu đau thương, mất mát. Một số trường hợp đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể người thân trong trận sạt lở đất. Đến thăm bà con vùng bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, đoàn cứu trợ của Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai ngoài trao tặng số lượng quà theo kế hoạch, các mạnh thường quân trong đoàn còn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ thêm từ 1-2 triệu đồng/hộ cho những gia đình có người chết, mất tích trong đợt lũ lụt, sạt lở đất vừa qua, hiện đang gặp khó khăn.
Đó là trường hợp gia đình anh Lê Văn Hải (37 tuổi, xã Hộ Độ, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Anh Hải là một trong 17 công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Anh gặp nạn đột ngột để lại 3 con nhỏ và người vợ trẻ đang mang bầu chuẩn bị sinh người con thứ 4. Gia cảnh rất khó khăn, túng thiếu.
Hay trường hợp em Hoàng Trọng Quân (17 tuổi, ngụ xã Thạch Thắng, H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất đáng thương. Nước lũ cuồn cuộn đổ về và dâng cao gây ngập cả làng nơi em ở. Em đã tự nguyện chèo xuồng đi lấy cơm từ các đoàn thiện nguyện mang về phân phát cho bà con trong xóm. Em đi đợt đầu suôn sẻ, nhưng đến đợt thứ 2 thì bị lật xuồng và lũ cuốn trôi.
Trước thiệt hại nặng nề của các tỉnh miền Trung do bão to, lũ lớn gây ra, ngày 14-10-2020, Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai đã ra lời kêu gọi và gửi thư ngỏ đến các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để vận động đóng góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, ngay trong ngày 22-10, trong đợt tiếp nhận đầu tiên, Tỉnh hội đã vận động và nhận được 5,6 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, hiện vật do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ đồng bào miền Trung.
Từ cuối tháng 10 đến nay, Tỉnh hội đã thành lập đoàn và tổ chức được 2 đợt đi cứu trợ người dân miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Cụ thể, đợt 1, đoàn đi thăm 3 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và trao tặng trên 2 ngàn phần quà với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Đoàn đi cứu trợ đợt 2 tại 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và trao tặng trên 3,5 ngàn phần quà với tổng trị giá trên 2,4 tỷ đồng.
Hiện Hội CTĐ tỉnh vẫn tiếp nhận hàng hóa do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gửi đến cứu trợ đồng bào miền Trung và dự kiến từ đây đến cuối năm 2020, Tỉnh hội sẽ tiếp tục tổ chức từ 3-4 chuyến đi cứu trợ nữa để giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của bão lũ, ổn định cuộc sống.