NGHĨA TÌNH... HỘI QUÁN

Từ một hội quán xuất hiện đầu tiên vào giữa năm 2016, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 100 hội quán tại các xã, phường với hàng nghìn hội viên.

Không câu nệ vào quy chế, điều lệ hoạt động, mọi người đều đến với hội quán trên tinh thần tự giác, tự nguyện, sẵn sàng mở lòng và sẻ chia, từ kinh nghiệm làm ăn đến cả cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Mấy tháng trước, có dịp ghé xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng tháp)-nơi trồng xoài xuất khẩu nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngồi trò chuyện với các thành viên hội quán của xã, tôi hỏi: “Hội quán có gì hấp dẫn mà các chú, các bác nhiệt tình tham gia quá vậy?”. Như bị chạm... tự ái, mọi người trợn mắt nhìn tôi rồi cười xòa thông cảm. "Đây nè, để nói cho nghe nè...". Hôm ấy, tôi nghe gần hết buổi chiều, những câu chuyện tưởng chừng như bình thường, từ những người nông dân chân chất nói ra, giản dị mà cuốn hút kỳ lạ.

Một mô hình Hội quán ở Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh: dangcongsan.vn

Một mô hình Hội quán ở Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh: dangcongsan.vn

Hồi trước làm vườn, ai cũng giấu nhẹm “bí quyết” của mình. Đơn cử như sử dụng thuốc để điều khiển cây ra hoa theo ý muốn, phun thuốc xong là tiêu hủy ngay nhãn mác, sợ hàng xóm biết. Rồi kinh nghiệm phát hiện và xử lý đất có dấu hiệu bị nhiễm phèn, đâu ai muốn chỉ ai. Các giống cây trồng, vật nuôi thì ai sở hữu nấy biết, rất hạn chế chia sẻ. Thậm chí ngó qua vườn hàng xóm, thấy họ mất mùa, làm ăn thua lỗ mà trong lòng còn gợn sóng hả hê... Những chuyện đại loại như vậy bây giờ đã trở thành quá khứ.

Hội quán mỗi tháng tụ họp từ một đến hai lần, nội dung sinh hoạt cũng chẳng có gì to tát ngoài những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống, lao động, sinh kế hàng ngày, “chuyên đề” nào vượt khỏi tầm hiểu biết của người nông dân thì đã có cấp ủy, chính quyền đứng ra nhờ các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ. Nơi sinh hoạt thường được tổ chức tại nhà các thành viên trong hội, hoặc diễn ra ngay dưới tán cây râm mát trong vườn, ở đó mọi người đều bình đẳng trong cách thể hiện và bộc lộ mình; ngay cả các dự thảo Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế-xã hội địa phương đều được các hội viên tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến sôi nổi. Điều đặc biệt là trong nhiều buổi sinh hoạt, ngoài sự có mặt của đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương còn có người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đến tham gia như một hội viên thứ thiệt, nhờ đó mà nhiều kiến nghị, nguyện vọng của hội viên được ghi nhận và giải quyết nhanh gọn, thấu tình đạt lý. Ngược lại, thông qua “kênh” hội quán, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động cũng được đưa trực tiếp vào cộng đồng, tạo nên hiệu quả và có sức lan tỏa.

Tham gia hội quán, người nông dân như bừng tỉnh, họ ý thức được thế nào là sức mạnh của công nghệ thông tin, hiệu quả của mối quan hệ hợp tác, liên kết để tạo ra sản phẩm có giá trị. Tham gia hội quán, người dân cũng ý thức được vai trò chủ thể của mình trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Còn nữa, cũng nhờ tham gia sinh hoạt hội quán mà những người nông dân giật mình nhận ra mối quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp bấy lâu đã bị bỏ bê, không được bồi đắp do ai cũng bận rộn lo cho cuộc sống của gia đình mình...

Mô hình hội quán đang được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Tháp khuyến khích phát triển, nhân rộng, tạo thêm nhiều giá trị mới cho cộng đồng, đưa hình ảnh của Đảng và bộ máy chính quyền đến gần dân hơn.

HỒNG BỈNH HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nghia-tinh-hoi-quan-644645