Nghĩa tình nơi vùng lũ
Sau 4 ngày đỉnh lũ, dù trời đã tạnh mưa, nước cũng đã dần rút nhưng cuộc sống người dân Quảng Bình vẫn chưa thể quay lại bình thường bởi cơn đại hồng thủy vẫn bủa vây bốn bề.
Trong gian khó, hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc LLVT tỉnh Quảng Bình không quản ngại hiểm nguy, can trường bám trụ địa bàn, tìm mọi cách để ứng cứu và hỗ trợ nhân dân đã lần nữa góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của nhân dân.
Đường vào “rốn lũ”
Con đường dẫn vào rốn lũ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập sâu trong nước, khiến những chuyến xe tải đầy ắp hàng hóa của các đoàn cứu trợ từ nhiều nơi trong cả nước đổ về phải đứng xếp hàng dài mà không thể tiếp cận với người dân. Tại bến Dinh Mười, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, những cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình sau nhiều ngày quần thảo tìm kiếm người bị nạn đưa về nơi an toàn vẫn miệt mài với những chuyến xuồng chở hàng cứu trợ, đưa tận tay người dân.
Dù được cảnh báo có sóng to, gió lớn, với nhiều chướng ngại vật ngầm nguy hiểm trên đường, nhưng ai cũng muốn theo chân bộ đội vào tận rốn lũ, chia sẻ với người dân đang chịu cảnh bão lũ cơ cực.
Cẩn trọng hướng dẫn thuyền luồn lách qua những ngọn cây chìm trong biển nước, vất vả gần 1 giờ đồng hồ, Trung tá Phạm Hồng Thứ, Ban CHQS huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Trị mới cùng đồng đội đưa được chuyến hàng vào xã Tân Ninh.
Trung tá Hồng Thứ chia sẻ: Mặc dù quãng đường không xa, nhưng đường đi rất phức tạp, dòng nước xoáy, chúng tôi phải cố gắng luồn lách để tiếp cận bà con, giúp đỡ bàn con lương thực thực phẩm. Mỗi ngày chỉ chạy được 6-7 chuyến thôi vì địa hình rất phức tạp vì bà con rất cần nên cán bộ chiến sĩ chúng tôi quyết tâm tiếp cận phục vụ nhân dân kịp thời.
Lái chiếc thuyền gỗ từ xóm đi ra, ông Trần Văn Vỹ, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Tôi cũng không muốn bộ đội khổ mô, nhưng chỉ có xuồng của bộ đội mới đi qua được con nước chảy siết đó.
Thất thần nhìn biển nước đục ngầu đang nhấn chìm làng xóm, nhà cửa, ông Vỹ không khỏi xót xa: “Tôi năm nay đã 72 tuổi nhưng chưa khi nào thấy nước lũ lớn và ập đến nhanh thế này. Chỉ chưa đến hai tiếng đồng hồ mà nước đã dâng cao hơn hai mét. Lũ ập đến vào ban đêm nên hầu hết bà con không kịp trở tay. Được bộ đội đến cứu kịp thời, giữ được mạng sống nhưng rồi đây khi nước rút, cả làng, cả xã biết lấy gì mà sinh sống!”.
Nhà có 10 con gà, chuẩn bị cho ngày giỗ đầu của chồng, vậy mà giờ đây đến miếng ăn qua ngày bà Trần Thị Hương, xã Tân Ninh cũng không còn. Bà Hương vui mừng nói: Không có gì nấu ăn, 3 hôm nay tôi chỉ ăn mỳ tôm sống. Đoàn cứu trợ về chúng tôi quá mừng, giờ có đồ ăn thức uống sống qua những ngày lũ. Sông biển ở đây chia cắt, không ai vào được, chỉ có bộ đội tình nguyện về đây là quá giá trị, không thể nói được lên lời nữa.
Bám trụ giúp dân
Liên tục bám sát hiện trường trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng cứu và cứu hộ bà con vùng lũ trên địa bàn huyện Quảng Ninh hơn 5 ngày qua, Thượng tá Trần Chí Hiếu, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong điều kiện địa hình và thời tiết phức tạp, chúng tôi đã chủ động triển khai các tổ đi các hướng để vận chuyển bà con ở những vùng trũng thấp lên vị trí an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con nhân dân vùng lũ.
Từ hôm qua đến nay chúng tôi đã điều chỉnh nhiệm vụ, tổ chức lực lượng vận chuyển, tiếp tế lương thực thực phẩm vật dụng thiết yếu như cơm, mì tôm, thuốc, nước sạch về những khu vực bị cô lập. Thời điểm này, chúng tôi đã tiếp cận những địa bàn trọng yếu. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ đều xác định tốt tinh thần trách nhiệm vượt qua khó khăn. Tuy trong đội hình công tác, có những đồng chí nhà cũng bị ngập lụt nhưng các anh em xác định tinh thần để hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục điều kiện khó khăn về địa bàn, kết hợp chặt chẽ với Ban CHQS huyện Quảng Ninh và bố trí lực lượng phù hợp, bảo đảm đi lại an toàn.
Bộ CHQS tỉnh cũng tổ chức các đoàn triển khai công tác xuống trực tiếp tham mưu, phối hợp cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả mưa lũ, tập trung địa bàn trọng điểm. Từ ngày 18-10 đến nay, Bộ CHQS tỉnh liên tục duy trì 22 xuồng và biên chế hơn 200 cán bộ, chiến sĩ không quản ngày, đêm, mưa rét tham gia giúp dân, măc dù chính cha mẹ, vợ con, nhà cửa nhiều đồng chí cũng đang bị thiệt hại do mưa lũ.
Để bảo đảm lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết trong quá trình ứng cứu, giúp đỡ nhân dân, Bộ CHQS tỉnh cũng đã chỉ đạo Phòng Hậu cần khẩn cấp xuất kho 1 tấn mì tôm, 5 tạ lương khô, 300 thùng nước uống đóng chai đến hỗ trợ nhân dân địa bàn trọng yếu là hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Ông Lê Ngọc Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Lũ chồng lũ khiến chỉ sau mấy tiếng đồng hồ tất cả 15/15 xã, thị trấn của huyện Quảng Ninh đã bị ngập, trong đó có 13 xã bị ngập hoàn toàn. Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền mà nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, bộ đội biên phòng và lực lượng dân quân tại chỗ của các xã nên địa bàn huyện Quảng Ninh không bị thiệt hại lớn về người. Bộ CHQS tỉnh đã có phương án linh hoạt trong việc huy động lực lượng dân quân tại chỗ cùng hàng trăm phương tiện thuyền đánh cá của nhân dân xã Hải Ninh (xã ven biển) kịp thời cơ động, cứu nạn sơ tán bà con ở các thôn, xóm.
Theo bà Phạm Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh, từ ngày 20-10 đến nay, nhiều đơn vị, nhóm từ thiện và các nhà hảo tâm đã chung tay san sẻ cùng những khó khăn của người dân vùng lũ. Chỉ riêng tại điểm tiếp nhận hàng cứu trợ khu vực trạm thu phí Quán Hàu, huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị quân đội điều động hơn 120 lượt thuyền, vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp đến bà con vùng lũ. Qua tay cán bộ, chiến sĩ những suất cơm, gói xôi, nước uống và các nhu yếu phẩm như áo phao, đèn pin, dầu gió… đã được trao đến tay người dân vùng lũ.
Chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử, ngày 22-10, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện lũ trên các sông tại Quảng Bình đang xuống chậm và vẫn ở mức rất cao. Mưa đã tạnh, có nắng nhưng gió vẫn to. Không chỉ người dân ở trong các ngồi nhà đơn lẻ thiếu lương thực, nước uống mà nghiêm trọng hơn là người dân được sơ tán đến các ngôi nhà cao tầng, trụ sở UBND xã, trường học, bệnh nhân đang điều trị bị mắc kẹt tại các bệnh viện huyện bị nước lũ bao vây… đều thiếu lương thực. Vì thế, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống đang được các địa phương, lực lượng chức năng và người dân trong tỉnh thực hiện gấp rút, không để đồng bào đói, rét lúc này.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghia-tinh-noi-vung-lu-641745