Nghĩa tình… phù sa

Vụ mùa này nhà mẹ thóc đã đầy bồ, ngô đầy gian bếp chật. Rau ngoài vườn mấy luống cũng đã thu hái, mẹ kịp mang bày bán chợ quê. Những vòm nhãn trĩu cành oằn xuống. Na đang chờ mở mắt đón Thu sang… Mẹ nhìn, cười hiền: Lộc phù sa bốn mùa no ấm!

Sông Hồng của tôi và của bao người! Tôi đã từng thắc mắc rằng, qua bao nhiêu năm biết nước sông có thêm phần mặn chát. Bởi trên vùng đất bãi kia, mồ hôi cứ giọt giọt đổ xuống; bao dáng người tần tảo sớm khuya…

Cũng nhờ lộc phù sa, người ta dìu nhau đi qua cái nghèo, cái đói. Nhờ lộc phù sa, những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Biết bao ước mơ lấm lem bùn đất ngày nào cũng đã được lộc phù sa nuôi lớn. Chỉ có điều, bao tấm lưng trên đồng sâu ruộng cạn nay đã còng thêm, nắng mưa vai áo bạc màu...

Tuổi thơ quẩn quanh đồng bãi, tắm mát ở dòng sông, chị em tôi quen ăn cơm nấu từ thóc gạo ở thửa ruộng nhà mình. Hương vị phù sa lắng vào từng hạt cơm thơm dẻo. Ngày tôi đi làm, em đi học xa nhà, mẹ lăng xăng đong từng cân gạo trong bồ, bó từng mớ rau sau vườn cho chúng tôi mang theo xuống phố.

Mà lạ thay, những bữa cơm xa nhà cũng nấu từ cơm gạo nhà mình, rau vườn mẹ hái… sao chẳng thấy ngon! Em bảo rằng, bởi vì nay thiếu một người là… Mẹ. Hóa ra phố chật hẹp, đông đúc bao người vẫn thừa chỗ cho sự cô đơn, thiếu vắng.

Còn nhớ năm trước dịch dã hoành hành, biết bao người đã lâu không được về nhà ăn cơm mẹ nấu. Ở tuyến đầu, các y, bác sĩ chạy đua ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh. Ở hậu phương, các mẹ, các chị gánh gồng, tiếp sức cho người dân vùng dịch khó khăn, đang bế tắc trong cơm áo mỗi ngày.

Người già mang những mớ rau xanh, quả bí, quả bầu đến điểm tập kết; người trẻ thồ gạo, mỳ tôm… Thoáng chốc, những chiếc xe tải đã chất đầy hàng, sẵn sàng vượt bão dịch.

Những hình ảnh ấy trên màn hình tivi làm mắt tôi cay quá. Mẹ gọi kể rằng, mẹ đã đong ba yến gạo, hái hết luống rau xanh và thêm mấy quả bầu. Cả ổ trứng gà lứa này không cần phải đợi nở cho đông đàn dài lũ, nên mẹ đã bọc kỹ từng quả, chèn thêm vào cả lá chuối khô để trứng không bị vỡ. Kiểm lại cho đủ mọi thứ, rồi mẹ gánh ra xã đăng ký ủng hộ.

Tôi nói đùa, bao nhiêu quà quê mẹ đã phần hết người dưng… nhưng trong lòng lại dậy lên niềm vui khó tả. Rồi đây, những thức quà nặng nghĩa tình phù sa trong quang gánh của mẹ và của bao người mẹ quê khác nữa sẽ đến với bà con vùng dịch. Trong nguy nan, gian khó, đâu còn ai nghĩ cho riêng mình.

Như những đứa con của mẹ, những ngày trong khu cách ly, dẫu không được ăn cơm nấu bằng gạo quê mẹ gửi nhưng những suất cơm nóng hổi từ người tình nguyện phục vụ vẫn ấm nóng và dẻo thơm mùi phù sa của một vùng quê nào đó, chan chứa nghĩa tình của những bà mẹ lạ xa… Khi mọi thứ đều đến từ tấm lòng chân thực, thì yêu thương phía nào cũng ấm như nhau phải không hả mẹ?...

Sông Hồng của con và của bao người vẫn ngày đêm cuộn lên sắc đỏ, vẫn ngày đêm bồi đắp mỡ màu cho vùng quê xanh mướt lúa ngô. Lộc phù sa càng đầy, nghĩa tình phù sa càng sâu càng nặng…

Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/75591/nghia-tinh%E2%80%A6-phu-sa.html