Nghĩa tình thầy, trò trên nẻo non cao

Trước khi đến với xã vùng cao Mường Bám, huyện Thuận Châu, chúng tôi đã được nghe kể về sự học ở vùng đất còn nhiều khó khăn này. Nơi đây, có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng rất có tinh thần hiếu học và các thầy cô giáo nhiệt huyết, tận tâm, ngày đêm miệt mài 'gieo chữ' trên các bản làng.

Đường đến điểm trường bản Nà La

Đường đến điểm trường bản Nà La

Thăm Trường tiểu học Mường Bám II vào một ngày cuối đông. Chúng tôi xuất phát từ thị trấn Thuận Châu vượt 70 km theo đường tỉnh lộ 108. Trời vùng cao rất lạnh, sương mù gần như cả ngày. Sau 3 tiếng vượt qua có những con đèo và nhiều khúc cua tay áo, qua khu rừng già rồi đến Cổng trời, thấp thoáng trong làn sương dày đặc, các nhóm học sinh tiểu học quần sắn ngang đầu gối, đi bộ đến trường.

Trò chuyện với thầy cô giáo, nhà trường đang có 22 lớp với hơn 600 học sinh, 100% là dân tộc thiểu số. Trong đó, 10 lớp ở điểm trường lẻ, điểm xa nhất nằm cách trung tâm xã hơn 20 km. Học sinh ở đây đa số thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, các em đều tự đi bộ tới lớp. Có nhiều em nhà cách trường từ 7 đến 10 km, đi bộ nửa ngày mới tới nơi. Mặc dù các em tuổi còn nhỏ, nhưng rất chịu khó và có ý thức học tập. Ngoài các môn học chính khóa, Trường còn tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh, tổ chức ôn tập, bổ trợ kiến thức, phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; kịp thời tuyên dương, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó, học sinh chuyên cần, có thành tích tốt trong học tập để khích lệ, động viên các em phấn đấu, thi đua học tập. Ngoài ra, còn tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, trải nghiệm, các cuộc thi sáng tạo để học sinh phát triển toàn diện.

Ngồi sau xe máy của thầy giáo Quàng Văn Ba, giáo viên Trường tiểu học Mường Bám II tới điểm trường Pha Khương, cách điểm trường chính gần 20km, gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua những con đường đất, dốc cao, cheo leo bên vách núi, mới thấu hiểu được sự gian nan, vất vả của các thầy cô nơi đây. Thầy Ba chia sẻ: Điểm trường Pha Khương nằm ở bản của bà con dân tộc Mông, là điểm trường xa xôi, khó khăn nhất của nhà trường. Ở đây, có khi mưa lớn, đường bùn đất lầy lội không thể di chuyển được, nên anh em thường xuyên xem dự báo thời tiết để chủ động công việc của mình. Nếu đi đường gặp mưa thì người này đẩy xe giúp người kia, hoặc nhờ bà con hỗ trợ, tất cả đều cùng chung mục đích không để trống tiết, trống giờ giảng, làm sao mang được cái chữ đến với các em một cách trọn vẹn nhất. Hằng ngày, thấy các em đi học đầy đủ, là chúng tôi thấy hạnh phúc.

Đường đến điểm trường Pha Khương lầy lội khi mưa xuống.

Đường đến điểm trường Pha Khương lầy lội khi mưa xuống.

Em Và Văn Pó, học sinh lớp 2, điểm trường Pha Khương, rụt rè chia sẻ: Em rất yêu quý thầy, cô giáo, em sẽ cố gắng học tập để lớn lên được làm thầy giáo.

Tiếp tục tới điểm trường bản Nà La, phải băng qua nhiều đoạn đường đất lầy lội, qua cây cầu treo vắt vẻo bên dòng suối mới đến được điểm trường. Đến nơi đã 11 giờ 30 phút, đúng lúc tiếng trống báo tan giờ học vang lên, học sinh ùa ra khỏi lớp. Dưới màn sương lạnh, tiếng cười ríu rít, giòn tan của các em sau buổi lên lớp như xua bớt đi cái giá lạnh của nơi vùng cao gió núi này.

Cô giáo Lò Thị Cúc, giáo viên điểm trường, tâm sự: Tôi nhận công tác tại xã vùng III - Mường Bám từ năm 2015, đi làm xa gia đình hơn 200 km, nên cả năm về thăm gia đình 2, 3 lần. Đôi khi cũng buồn, nhưng trên hết là lòng yêu nghề, mến trẻ, nên tôi đã cố gắng, quyết tâm bám trụ với nghề. Niềm vui lớn nhất của những giáo viên vùng cao, là khi kết thúc năm học, các em biết đọc, biết viết, gieo cho các em những ước mơ để phấn đấu vươn lên học tập tốt. Tuy còn nhiều khó khăn, song phụ huynh nơi đây rất chân thành, quý mến các cô giáo, khiến chúng tôi có thêm động lực bám lớp, bám bản.

Giờ ngoại khóa của học sinh điểm trường Nà La

Giờ ngoại khóa của học sinh điểm trường Nà La

Đến tận nơi lắng nghe, tìm hiểu, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các thầy giáo, cô giáo ở các trường vùng cao đã và đang nỗ lực vượt qua. Thầy Lỗ Trác Quyết, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tập thể thầy, cô giáo nhà trường luôn động viên, chia sẻ để thầy, cô ở các điểm trường yên tâm công tác. Điều đáng mừng là hiện nay, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường và không có học sinh nào bỏ học. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn tạo điều kiện để các thầy, cô giáo ở điểm trường tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và học thêm tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu thêm một số phong tục, tập quán, để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ khó khăn với giáo dục vùng cao, đồng chí Thiệu Nam Bình, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thuận Châu, cho biết: Đối với các trường học trên địa bàn các xã vùng cao điều kiện còn nhiều khó khăn, Phòng đã tham mưu với huyện và các ngành ưu tiên nâng cấp đầu tư, xây dựng, sửa chữa các trường trung tâm và các điểm trường lẻ, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách dành cho giáo viên và học sinh vùng cao.

Giờ học của các học sinh điểm trường Nà La.

Giờ học của các học sinh điểm trường Nà La.

Trồng người là công việc đòi hỏi nhiều gian lao, kiên trì và nhẫn nại, đặc biệt với những người “cõng chữ” lên những bản làng vùng cao lại càng đòi hỏi sự hy sinh gấp nhiều lần. Ở nơi vùng cao, niềm vui lớn nhất của những người giáo viên cắm bản là các em được học chữ, có kiến thức để trở về góp phần xây dựng quê hương.

Chia tay các diểm trường vùng cao, chúng tôi nhớ mãi về hình ảnh các thầy, cô giáo băng rừng, vượt suối không quản nắng mưa giá rét đến với học trò. Tình thương và trách nhiệm đã thôi thúc bước chân của các thầy, cô giáo đến khắp nẻo non cao!

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghia-tinh-thay-tro-tren-neo-non-cao-48431