Nghĩa tình Thừa Đức

Trong chiến tranh, người dân xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có công chăm sóc, nuôi giấu những thương, bệnh binh tỉnh Long An. Ghi nhớ và tri ân công ơn này, Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn vừa tổ chức hoạt động Về nguồn thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng.

Nơi cưu mang thương, bệnh binh Long An

Vùng đất Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thừa Đức đón chúng tôi bằng cơn mưa ngày càng nặng hạt. Tuy nhiên, mọi hoạt động của đoàn viên, thanh niên Tỉnh đoàn như thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng; tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu cho 400 thiếu niên, nhi đồng vẫn diễn ra sôi nổi.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức - Phạm Văn Sang, địa phương là một trong những xã đi đầu về đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, dân số của xã chưa được 2.000 người nhưng có đến 273 liệt sĩ (chưa đến 10 người dân đã có 1 liệt sĩ). Đồng thời, xã còn có 52 thương binh, 6 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng hàng trăm gia đình có công với cách mạng.

Tuổi trẻ Tỉnh đoàn đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vọng

Tuổi trẻ Tỉnh đoàn đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vọng

Mẹ Ngô Thị Vọng - Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống ở miền biển này, kể lại: “Thừa Đức có vị trí chính trị quan trọng trên chiến trường quân khu nói chung và huyện Bình Đại nói riêng. Đồng thời, đây cũng là nơi xây dựng điểm tựa của cách mạng, diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân miền Nam, trong đó có chồng và con của mẹ chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này”.

Dẫn chúng tôi tham quan khu Nhà bia truyền thống xã, Bí thư Đảng ủy xã Thừa Đức - Trần Trung Kiên thông tin, trong chiến tranh, nơi đây là một trong những căn cứ địa cách mạng trọng yếu nối liền với các chiến khu Rừng Sác, Nhà Bè của Sài Gòn-Gia Định; Rạch Cát, Xoài Rạp thuộc tỉnh Long An với mật khu Ba Tri, Bình Đại của tỉnh Bến Tre.

Với địa hình rừng ngập mặn và là xã giải phóng, năm 1968, Quân y của Phân khu 3 chọn Thừa Đức làm căn cứ để điều trị, chăm sóc thương binh, tránh sự càn quét, đánh phá ác liệt của địch. Bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người dân địa phương (25 gia đình) trực tiếp chăm sóc, cưu mang (lương thực, thuốc men, tiền bạc,…) cho hơn 100 thương, bệnh binh tỉnh Long An sớm hồi phục sức khỏe trở lại chiến trường tiếp tục tham gia kháng chiến, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Uống nước nhớ nguồn

Ghi nhớ công ơn, nghĩa tình của quân, dân Thừa Đức, hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7. Đặc biệt, Long An vừa hỗ trợ địa phương xây dựng Nhà bia truyền thống xã với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, gồm các hạng mục: Nhà bia, hàng rào và sân nền. Đây là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho người dân địa phương, đồng thời cũng là nơi ghi dấu mối quan hệ gắn bó mật thiết, tình đoàn kết keo sơn giữa quân và dân tỉnh Long An với quân và dân xã Thừa Đức.

Đoàn viên, thanh niên viếng Nhà bia truyền thống xã Thừa Đức - công trình ghi dấu mối quan hệ gắn bó mật thiết, tình đoàn kết keo sơn giữa quân và dân tỉnh Long An với quân và dân xã Thừa Đức

Đoàn viên, thanh niên viếng Nhà bia truyền thống xã Thừa Đức - công trình ghi dấu mối quan hệ gắn bó mật thiết, tình đoàn kết keo sơn giữa quân và dân tỉnh Long An với quân và dân xã Thừa Đức

Về với xã Thừa Đức lần này, tuổi trẻ Tỉnh đoàn đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vọng (ấp Thừa Long), gia đình có công với cách mạng Phạm Thị Thanh (ấp Thừa Thiên). Tại các điểm đến, đại diện cho tuổi trẻ Long An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn - Nguyễn Hoài Thanh bày tỏ lòng tri ân, ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe những gia đình có công chăm sóc, cưu mang các thương, bệnh binh của tỉnh trong chiến tranh.

“Chuyến Về nguồn lần này giúp tôi hiểu hơn về tình cảm mà quân, dân miền biển dành cho quân và dân Long An trong chiến tranh. Tôi sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động Về nguồn gắn với thực hiện công tác an sinh xã hội tại nơi từng cưu mang thương, bệnh binh, chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi vào những năm đầu thập niên 1960” - Phó Bí thư Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn - Lê Xuân Thịnh chia sẻ.

Tạm chia tay Thừa Đức nghĩa tình, chúng tôi về Long An với niềm phấn khởi khi xã bãi ngang nghèo khó ngày nào bây giờ từng bước vươn lên với du lịch biển dần phát triển; những đầm tôm, nghêu, sò huyết, cánh đồng dưa hấu,… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tình cảm, công ơn của dân, quân miền biển mãi khắc sâu trong lòng của thế hệ trẻ Long An hôm nay và mai sau./.

Phong Nhã

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nghia-tinh-thua-duc-a82249.html