Nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo hội trao quà cho nạn nhân chất độc da cam huyện Tuy An. Ảnh: CTV

Nhiệm kỳ 2014-2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được ghi nhận là nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả, thiết thực. Đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan, đặc biệt là sự đồng hành của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Thời gian qua, các cấp hội không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, tổ chức xây dựng phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách người tham gia kháng chiến; con, cháu người tham gia kháng chiến; người dân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, cùng Trung ương Hội đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam.

Làm tốt công tác tham mưu, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Toàn tỉnh hiện có 12.008 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, người tham gia kháng chiến: 3.361, con của người tham gia kháng chiến: 589, nhân dân: 8.058 (trong đó 4.134 người lớn, con cháu 3.924), gia đình có 2 nạn nhân trở lên: 227 hộ, 3 nạn nhân: 33 hộ, 4 nạn nhân: 4 hộ).

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh bàn giao nhà Tình thương cho gia đình ông Y Bờ Hút ở buôn Bá, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh. Ảnh: KIM LIÊN

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh bàn giao nhà Tình thương cho gia đình ông Y Bờ Hút ở buôn Bá, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh. Ảnh: KIM LIÊN

Trong nhiệm kỳ III, các cấp hội đã củng cố, kiện toàn 9 hội của huyện, thị xã, thành phố và 68/108 xã, phường có tổ chức hội. Tổ chức xây dựng ban vận động thành lập hội ở xã, phường, thị trấn đủ điều kiện thành lập hội, phát triển kết nạp 5.728 hội viên, 40 tình nguyện viên, 10 cộng tác viên, 74 hội viên danh dự. Các cấp hội, nhất là hội cơ sở, thường xuyên phối hợp với MTTQ, hội cựu chiến binh và các ngành chức năng tổ chức hiệu quả các hoạt động hướng về cơ sở, hướng tới nạn nhân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam”, vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân…

Nhiệm kỳ qua, nguồn kinh phí cấp để hoạt động là 8,9 tỉ đồng (trong đó cấp tỉnh 1,9 tỉ đồng; 9 huyện, thị xã, thành phố 3,6 tỉ đồng; các xã, phường, thị trấn 3,3 tỉ đồng). Các cấp hội đã tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phát hành “Thư ngỏ” gửi đến các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia quyên góp, ủng hộ để giúp đỡ nạn nhân và người bị phơi nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần “Xoa dịu nỗi đau da cam”. Vì vậy, nguồn lực xã hội hóa ngày càng phát huy mạnh mẽ, gắn với phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, các ngày lễ, Tết, ngày 10/8 hàng năm, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7... Trong 5 năm, hội đã vận động tiền, quà được 25,1 tỉ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân da cam. Trong đó, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 143 ngôi nhà; hỗ trợ khám chữa bệnh hiểm nghèo 211 người; trợ cấp khó khăn 2.317 người, tặng học bổng 179 cháu; hỗ trợ vốn sản xuất không tính lãi 23 hộ, hỗ trợ 5 bò giống, trợ cấp bão lũ 1.823 người; trao 49 chiếc xe lăn cho người tàn tật…

Hội phối hợp với Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh bị ảnh hưởng chất độc da cam. Hội cũng đã tập hợp tài liệu, chứng cứ phục vụ cho trung ương, ủng hộ bà Tố Nga, Việt kiều Pháp kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc hóa học rải xuống chiến trường Việt Nam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và huyện Sông Hinh hỗ trợ bò cho gia đình ông Lê Hữu Thanh ở thị trấn Hai Riêng, để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: KIM LIÊN

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và huyện Sông Hinh hỗ trợ bò cho gia đình ông Lê Hữu Thanh ở thị trấn Hai Riêng, để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: KIM LIÊN

Hướng đến một nhiệm kỳ đổi mới và hiệu quả

Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên xác định nhiệm kỳ IV (2019-2024) là một nhiệm kỳ đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện đạt mục tiêu, chất lượng và hiệu quả; thực sự là một nhiệm kỳ có ý nghĩa, khẳng định vị thế của các tổ chức hội, tạo niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và sự sẻ chia đồng cảm của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đối với nạn nhân chất độc da cam.

Nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tranh thủ ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan đến các hoạt động của Hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Có chương trình, kế hoạch tuyên truyền vận động tạo nguồn về tài chính và các cơ sở vật chất khác để giúp đỡ nạn nhân.

Từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”- mục tiêu mà đại hội đề ra, hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

NGUYỄN NGỌC CHIẾN

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/233344/nghia-tinh-trach-nhiem-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam.html