Nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam
Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam được thành lập và ra mắt hoạt động ngày 10/1/2004. Trải qua gần 20 năm xây dựng, phát triển và hoạt động, Hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2018-2023 (Đại hội lần thứ IV) trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hội viên, Hội đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu do Đại hội lần thứ IV đề ra, trong đó có nhiều mặt công tác hoàn thành tốt và xuất sắc.
Nổi bật là, Trung ương Hội đã tham mưu để Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Hội đã đề xuất, phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra, nắm tình hình làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW tại các địa phương; tham mưu để Thường trực Ban Bí thư ra thông báo về tổ chức kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2021); Ban Dân vận Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về tham mưu lãnh đạo hưởng ứng “Tháng hành động vì NNCĐDC” (tháng 8/2023), góp phần vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trong cả nước.
Trung ương Hội chủ động tham gia đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án 103 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tham gia ý kiến với cơ quan chức năng về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ; phối hợp Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nắm tình hình, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Các tỉnh, thành Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch chủ động sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tổng kết Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị; các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng của Nhà nước về các văn bản liên quan đến chính sách đối với NNCĐDC và quản lý, tổ chức hoạt động của hội quần chúng.
Ban Chấp hành, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội, luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023; chủ động, tích cực chỉ đạo phát triển, xây dựng củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên. Đến nay, Hội tiếp tục duy trì tổ chức hội ở Trung ương và hội thành viên ở 63 tỉnh, thành phố; 613 huyện, quận; hơn 6.600 xã, với hơn 415 nghìn hội viên.
Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Binh chủng Hóa học, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam… Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành Hội triển khai nhiều chương trình phối hợp các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị và các hội quần chúng ở địa phương. Nhiều chương trình được ký kết trong nhiệm kỳ 2018-2023 có sức lan tỏa và đạt hiệu quả cao như chương trình phối hợp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam…
Công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh; trong đó chú trọng tuyên truyền sâu rộng về Chỉ thị số 43-CT/TW, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh và chính sách đối với NNCĐDC; các hoạt động kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8)… đồng thời, chú trọng phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình hoạt động hiệu quả trong xây dựng tổ chức hội, chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Trung ương Hội đã phối hợp Binh chủng Hóa học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và các tỉnh, thành Hội tổ chức 5 cuộc triển lãm “Da cam-Lương tri-Công lý”. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với ngành Tuyên giáo, Dân vận, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự, phim, video clip… về công tác xây dựng tổ chức hội và khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC…
Trong công tác đối ngoại nhân dân, Hội luôn bám sát nhiệm vụ, kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hoạt động đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC bằng hình thức, biện pháp mới, phù hợp quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng.
Hội kịp thời ra Tuyên bố ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và gửi thư ngỏ tới các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phản đối phán quyết của tòa án khi xét xử sơ thẩm vụ án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng vừa đấu tranh, vừa vận động các tổ chức, yêu cầu Chính phủ Mỹ có trách nhiệm hơn, tham gia tích cực hơn đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ NNCĐDC…
Công tác vận động nguồn lực và chăm sóc giúp đỡ nạn nhân đạt nhiều kết quả tốt trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Đến nay, Quỹ NNCĐDC/dioxin được thành lập ở Trung ương Hội và hơn 40 tỉnh, thành Hội; gần 110 quận, huyện và quỹ tự nguyện ở hơn 500 xã, phường. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội các cấp đã vận động ở trong nước và quốc tế được gần 2.300 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân dần hình thành nền nếp thường niên ở các địa phương, góp phần cải thiện một phần cuộc sống vật chất và tinh thần của nạn nhân.
Có thể nói, vượt qua nhiều khó khăn, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề ra. Từ ngày 28-29/12/2023, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 và Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (10/1/2004-10/1/2024) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của tổ chức hội trong cả nước; khẳng định vị thế và sức lan tỏa về uy tín của Hội trong nước cũng như quốc tế.
Với tinh thần đó, các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện thắng lợi chủ đề của Đại hội lần thứ V là: Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân, đổi mới, xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thật sự là chỗ dựa tin cậy, mái ấm nghĩa tình của hội viên và NNCĐDC.
Nguồn:https://nhandan.vn/nghia-tinh-trach-nhiem-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-post789559.html