'Nghĩa tình Việt Nam - Lào - Campuchia'
Chiều 30/8, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm 'Nghĩa tình Việt Nam - Lào - Campuchia'.
Tới dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam; đại diện các Đại sứ quán Lào, Campuchia tại Việt Nam.
Triển lãm “Nghĩa tình Việt Nam - Lào – Campuchia” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2017); 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017).
Với trên 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm đã nêu bật 3 nội dung: Đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Đoàn kết ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) và phát triển tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ năm 1975 đến nay).
Tại triển lãm, công chúng có thể thấy tình đoàn kết gắn bó giữa 3 nước qua các hiện vật tiêu biểu như: Chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Trung Lào, chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam hiệp đồng chiến đấu với Quân giải phóng Nhân dân Lào trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào, từ ngày 8/2 đến 23/3/1971; sơ đồ trận đánh Xa Khum; "Những núm tóc" của các bà mẹ Lào tặng những người con tình nguyện Việt Nam trước khi về nước…
Đặc biệt là các hình ảnh ghi lại những việc làm của quân và dân Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng và củng cố đất nước.
Nhà thơ Anh Ngọc, tác giả của trường ca “Sông Mekong bốn mặt”, một trong những hiện vật trưng bày tại triển lãm chia sẻ: “Tôi có một mối gắn bó rất sâu sắc với đất nước và nhân dân Campuchia”.
Ngay từ ngày 7/1/1979, lúc vừa lật đổ ách Pol Pot, nhà thơ Anh Ngọc đã có mặt tại đây. Ngoài viết báo, chụp ảnh thì Nhà thơ Anh Ngọc tập trung viết một Trường ca dài gần 3.000 câu với tên “Sông Mekong bốn mặt”, viết về đất nước Campuchia trong thảm nạn diệt chủng và sau đó là vượt lên và hồi sinh.
“Tác phẩm này, tôi viết ngay trên đất nước Campuchia”, nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ - “Có thể nói đây là một trường ca tôi rất tâm huyết, bởi vì viết về Campuchia thực chất cũng là viết về bi kịch của loài người nói chung, trong đó có một phần của dân tộc Việt Nam chúng ta”.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, Triển lãm là một hoạt động thiết thực giúp đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; trên cơ sở đó xây dựng, vun đắp mối quan hệ đặc biệt này mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
“Nổi bật nhất của triển lãm này là chúng tôi giới thiệu về đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thể hiện qua các chiến dịch lớn mà 3 nước đã phối hợp với nhau để thực hiện”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng cho biết.
“Cuộc triển lãm này cũng có một ý nghĩa là nhằm tuyên truyền, giới thiệu tới công chúng mối quan hệ Việt Nam – Lào - Campuchia. Như lãnh đạo các nước đã nói thì đây là quan hệ đặc biệt, một điển hình, mẫu mực về tình đoàn kết quốc tế”./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/nghia-tinh-viet-nam-lao-campuchia-665487.vov