Nghĩa trang 4.000 năm tuổi hé lộ bí ẩn kết nối châu Phi và châu Âu
Nghĩa trang cổ trên bán đảo Tangier hé lộ vai trò then chốt của khu vực trong mạng lưới kết nối văn hóa giữa châu Phi và châu Âu thời cổ đại.

Hình ảnh về các nghĩa trang và gò mộ mới được phát hiện.
Tangier: Cửa ngõ giữa 2 châu lục từ thời tiền sử
Các khảo sát khảo cổ trên bán đảo Tangier ở tây bắc Morocco đã mở ra góc nhìn mới về lịch sử khu vực, đặc biệt là vai trò của Eo biển Gibraltar như một cầu nối giữa châu Âu và châu Phi.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên African Archaeological Review, địa điểm này đã đóng vai trò quan trọng trong sự giao thoa văn hóa từ cuối thời kỳ Đồ Đá.
Dự án khảo cổ Tahadart và Kach Kouch, sau nhiều năm thực địa, đã phát hiện hàng loạt mái đá có tranh khắc, nghĩa trang cổ và các công trình megalithic (những cấu trúc hoặc di tích cổ được xây dựng từ những tảng đá lớn, thường có niên đại từ thời tiền sử) độc đáo.
Kết quả phân tích cho thấy những điểm tương đồng rõ rệt giữa các di tích tại Tangier với khu vực châu Âu Đại Tây Dương và tiền Sahara, củng cố giả thuyết rằng Tangier là trung tâm của một mạng lưới nghi lễ và biểu tượng rộng lớn.

Bản đồ và mặt cắt của ngôi mộ đơn lẻ, dường như biệt lập được khai quật tại Daroua Zaydan
Bước ngoặt trong nghiên cứu khảo cổ Bắc Phi
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những nghiên cứu trước đây thường xem xét các địa điểm khảo cổ tại Tangier một cách riêng lẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra rằng chúng thực chất là những phần liên kết trong một cảnh quan nghi lễ và tín ngưỡng rộng hơn.
Theo Archaeology Mag, nhóm khảo cổ đã phát hiện nhiều hình thức chôn cất tại 3 nghĩa trang, gồm các loại mộ khác nhau. Đặc biệt, mẫu xương từ một ngôi mộ cist (mộ cổ bằng đá) có niên đại khoảng 2000 TCN đánh dấu lần đầu tiên có dữ liệu phóng xạ carbon cho loại hình chôn cất này tại Tây Bắc Phi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các cột đá lớn, từng được xem là dấu mốc lãnh thổ hoặc địa điểm thực hành nghi lễ, đồng thời phát hiện tranh khắc đá có họa tiết tương tự như các mẫu ở Iberia và Sahara.
Những đường nét như chấm tròn, hình người và vòng tròn khắc gợi ý một nền văn hóa chung vào cuối thời kỳ Đồ Đồng.
Trong khu vực Kach Kouch, các nhà khảo cổ đã khai quật một khu định cư nông nghiệp với những ngôi nhà xây bằng bùn và hầm chứa đá, cung cấp bằng chứng về sự thuần hóa động thực vật.
Dữ liệu khảo cổ còn cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương từ rất sớm.

Bản đồ hiển thị tất cả các khu định cư đã biết ở Bán đảo Tangier và các kết nối tiềm năng trên cạn.
Khám phá mới và tác động đến lịch sử Bắc Phi
Nghiên cứu đăng trên African Archaeological Review được xem là bước ngoặt trong khảo cổ Bắc Phi. Các tác giả chỉ ra rằng trong suốt 200 năm nghiên cứu khu vực, hệ thống nghi lễ và mai táng tiền sử vẫn bị bỏ sót.
Việc tái đánh giá các di tích này không chỉ giúp giải mã lịch sử khu vực mà còn làm sáng tỏ vị trí chiến lược của Tangier trong mạng lưới liên kết giữa châu Phi và thế giới Địa Trung Hải - Đại Tây Dương.
Những phát hiện mới đang đưa văn hóa cổ đại của khu vực lên vị trí xứng đáng trong bản đồ khảo cổ toàn cầu.
Theo IE