Nghĩa vụ tiếp tục sử dụng lao động khi sáp nhập doanh nghiệp

Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thi người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam là công ty luật được đăng ký và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Khách hàng của Công ty là một tập đoàn gồm nhiều công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Các công ty này có trụ sở chính đặt tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có chi nhánh tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.

Hiện khách hàng của Công ty dự kiến sáp nhập tất cả các công ty nói trên với nhau để thuận lợi hơn trong việc quản lý và vận hành doanh nghiệp nhưng gặp một số vướng mắc như sau:

- Về phương án sử dụng lao động: Công ty hiểu rằng sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, toàn bộ nghĩa vụ của các công ty bị sáp nhập, trong đó có các nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng lao động, sẽ được tiếp nhận bởi công ty nhận sáp nhập.

Tuy vậy, Bộ luật Lao động 2012 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ nộp phương án sử dụng lao động cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.

Vậy, nghĩa vụ của người sử dụng lao động mà cụ thể là công ty nhận sáp nhập trong trường hợp này là như thế nào?

- Về hợp đồng lao động: Theo Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam hiểu sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có thể tiến hành ký kết với người lao động các phụ lục để sửa đổi, bổ sung các hợp đồng lao động mà các công ty bị sáp nhập đã ký với người lao động, trong đó nêu rõ các nội dung sửa đổi như thông tin người sử dụng lao động và các điều khoản được sửa đổi khác (nếu có).

Thực tế, nếu công ty nhận sáp nhập và các công ty bị sáp nhập phải tiến hành các thủ tục và quy trình để chấm dứt hợp đồng lao động cũ và ký kết hợp đồng lao động mới với một số lượng lớn lao động đang được các công ty bị sáp nhập sử dụng (khoảng hơn 2.000 lao động), việc chuyển giao lao động này sẽ cần khá nhiều thời gian và gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Vậy, việc xử lý các hợp đồng lao động này như thế nào?

- Về vấn đề sử dụng người lao động nước ngoài: Trong số lao động được các công ty bị sáp nhập sử dụng có khoảng 200 lao động là người nước ngoài.

Theo kế hoạch thì công ty nhận sáp nhập dự kiến tiếp nhận toàn bộ số lao động nước ngoài này sau khi hoàn tất sáp nhập. Công ty nhận sáp nhập có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đối với số lao động nước ngoài tiếp nhận từ các công ty bị sáp nhập và phải báo cáo giải trình về nhu cầu này trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến tiếp nhận và sử dụng những người lao động nước ngoài đó.

Vậy, thủ tục về đối tượng nêu trên được thực hiện như thế nào?

- Về cấp giấy phép lao động: Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam nhận thấy không có quy định cụ thể cho việc xử lý Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp đề nghị được hướng dẫn.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH ACS Legal Việt Nam (TPHCM) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc nêu trên.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Về phương án sử dụng lao động và hợp đồng lao động

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thi người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 46 Bộ luật Lao động thì khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Căn cứ các quy định và nội dung hỏi của Công ty nêu trên thì khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp người sử dụng lao động kế tiếp phải xây dựng phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động, không phải thông báo phương án sử dụng lao động với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Sau đó, người sử dụng lao động kế tiếp sẽ tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Khai trình việc sử dụng lao động

Theo quy định của Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/1/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Như vậy, sau khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp giấy đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp đi vào hoạt động thì người sử dụng lao động phải thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo quy định nêu trên.

Xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với UBND tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

Như vậy, sau khi được có quan có thẩm quyền cho phép thành lập thì công ty phải thực hiện việc báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo quy định nêu trên.

Về cấp giấy phép lao động

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP nêu trên thì trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động được thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 8, Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP nêu trên.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/nghia-vu-tiep-tuc-su-dung-lao-dong-khi-sap-nhap-doanh-nghiep/381774.vgp