'Nghịch cảnh' COVID-19 tại Đông Nam Á

Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 4/1. Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59' ngày 4/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.819 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 35.550 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 6.753 ca COVID-19 và 177 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 772.103 ca và 22.911 ca.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ tư khu vực với 6 người thiệt mạng.

Một ủy ban thuộc Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 4/1 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này cho tới cuối tháng 2/2021. Việc gia hạn 45 ngày đối với sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, thay vì gia hạn từng tháng một như thông thường, được đưa ra khi Thái Lan đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sau đợt bùng phát mới hồi tháng trước. Theo kế hoạch, quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 45 ngày sẽ được trình lên nội các vào ngày 5/1 để phê chuẩn.

Tại Thái Lan, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 745 người - mức cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ Thái Lan đã xếp 28 tỉnh, thành phố, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh. Chính quyền thủ đô Bangkok (BMA) đã yêu cầu các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố ngừng dịch vụ ăn tại chỗ từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 5/1.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.741 ca bệnh mới, 7 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar dịch bệnh những ngày gần đây đang có chiều hướng hạ nhiệt khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm. Quốc gia thành viên ASEAN này ghi nhận 590 ca bệnh mới và 16 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Trái ngược với một số nước trong khu vực, Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 11 năm ngoái.

Sáng 4/1, học sinh đeo khẩu trang đã xếp hàng dài ngoài cổng trường tiểu học Sovannaphumi ở thủ đô Phnom Penh chờ đo nhiệt độ thân thể để vào trường.

Theo kế hoạch, các trường tư thục tại Campuchia sẽ mở cửa trong tuần này đón học sinh quay trở lại, trong khi các trường công lập sẽ khôi phục hoạt động vào tuần tới.

Ngoài trường học, Campuchia cũng đã cho phép mở cửa trở lại Nhà tù Tuol Sleng - địa điểm tham quan nổi tiếng ở thủ đô Phnom Penh.

Tháng 11/2020, Campuchia triển khai thực hiện một loạt biện pháp hạn chế sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến 1 phụ nữ 56 tuổi, người từng đi tới 2 thành phố lớn của nước này kể từ ngày 20/11. Việc Campuchia nới lỏng các biện pháp phong tỏa trái ngược tình cảnh tại nhiều nước trong khu vực.

Ngày 4/1, Singapore cho biết nước này đang xem xét nới lỏng hạn chế đi lại với những người từng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, bao gồm những người có kế hoạch tới Singapore tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.

Do đại dịch, quốc đảo này đã cấm hoạt động đi lại không thiết yếu, cũng như hạn chế thỏa thuận đi lại phục vụ mục đích kinh doanh và công vụ với một số nước.

Tuần trước, Singapore cũng trở thành một trong những nước châu Á đầu tiên khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia đối với dịch bệnh COVID-19.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/nghich-canh-covid19-tai-dong-nam-a/418922.vgp