Nghịch cảnh xuất ngoại của bóng đá Việt Nam
Dù luôn nói về khát vọng vươn tầm châu lục nhưng bóng đá Việt Nam lại đi về việc xuất khấu cầu thủ.
Đúng hơn, bóng đá Việt Nam có khát vọng vươn tầm châu lục. Nhưng sau tất cả, giấc mơ ấy đang mắc kẹt trong chính nghịch cảnh mà chúng ta không chịu đối mặt, đó là thực trạng xuất khẩu cầu thủ đang ngày càng lụi tàn.
Nhìn sang khắp châu Á, dễ thấy cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản chơi bóng. Malaysia chuyển động lớn về nhập tịch. Indonesia bây giờ có rất nhiều ngôi sao nhập tịch gốc Hà Lan. Trong khi đó, Việt Nam – nền bóng đá từng được xem là “lá cờ đầu” Đông Nam Á thời HLV Park Hang Seo, bây giờ lại quay về con đường nội địa hóa.

Dù luôn nói về khát vọng vươn tầm châu lục nhưng bóng đá Việt Nam lại đi về việc xuất khấu cầu thủ. Ảnh: VFF
Hiện tại, không còn một ai trong đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các giải hàng đầu châu lục, chứ chưa nói gì đến châu Âu. Một nghịch lý buồn cho một nền bóng đá từng đặt chân đến tứ kết Asian Cup và góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Ngay cả những cầu thủ giỏi hiện nay như Hoàng Đức, Tuấn Hải… cũng chọn con đường thi đấu trong nước. Lý do thì nhiều, từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch chuyên môn, đến tâm lý “an toàn” khi đá ở V.League với mức đãi ngộ cao. Nhưng điều đáng lo là lớp trẻ cũng không còn khát vọng xuất ngoại như thế hệ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng có.
Mười năm trước, bóng đá Việt Nam từng rạo rực khi lứa cầu thủ HAGL sang Nhật, sang Hàn. Dù phần lớn đều dự bị hoặc thất bại, nhưng ít ra đó là dấu hiệu cho thấy cầu thủ Việt Nam có khát vọng lớn. Đó là sự dấn thân. Đó là tinh thần vượt giới hạn để tích lũy trải nghiệm mới. Từ những chuyến xuất ngoại ấy, đội tuyển Việt Nam thăng hoa với chức vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, lần đầu dự vòng loại cuối World Cup…
Hành trình ấy không thể phủ nhận vai trò từ “những kẻ thất bại” ở trời Âu, Nhật hay Hàn nhưng trở về với tư duy trưởng thành hơn. Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu… chính là lớp người tiên phong, dù không bay cao ở nước ngoài nhưng đã làm mới chính mình và đóng góp vào thành tích tập thể.
Giờ đây, giấc mơ World Cup chỉ còn nằm trên giấy khi tuyển Việt Nam đang tụt lại thấy rõ với trận thua Malaysia 0-4, và gần như cạn cơ hội dự Asian Cup 2027. Trong khi Malaysia nhập tịch ồ ạt và Indonesia tiến xa nhờ dàn cầu thủ chơi bóng tại châu Âu, bóng đá Việt Nam lại có dấu hiệu lạ với chuyện các ngôi sao đổ về giải hạng Nhất.
Chúng ta muốn vươn tầm châu Á, nhưng lại không dám bước ra ngoài. Muốn đá World Cup, nhưng lại sợ thất bại từ những chuyến xuất ngoại. Một nghịch lý, bởi nếu không chấp nhận va đập, không dấn thân ra biển lớn, thì làm sao bóng đá Việt Nam có thể lớn lên thật sự?
Đã đến lúc cần nhìn thẳng rằng, bóng đá Việt Nam đang đi lùi về giấc mơ xuất ngoại. Nếu không thay đổi thì giấc mơ châu lục hay World Cup rất khó thành hiện thực.