Nghịch lý bảo vệ luận án TS: Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn lọt đề tài có 'vấn đề'
Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, để tránh xảy ra những sai sót không đáng có đối với luận án tiến sĩ thì các cơ sở đào tạo giáo dục nên làm chặt chẽ ngay từ bước đầu.
Những ngày gần đây, giới học thuật và dư luận xôn xao về luận án tiến sĩ có tên “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.
Nhiều nhà khoa học cho rằng những luận án tiến sĩ không xứng “tầm”, không thể hiện rõ được nội dung khoa học như trên là thực tế không lạ trong nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Ngay sau đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin tới dư luận rằng với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Cần thu hồi những luận án không đủ “tầm”
Để nhìn nhận kỹ hơn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đối với những đề tài không đủ “tầm”, không có hàm lượng khoa học cao, không đem lại tính ứng dụng cho xã hội thì sau quá trình hậu kiểm cần phải thu hồi lại.
Tất nhiên, có thể có những trường hợp đã bảo vệ thành công luận án và được công nhận tiến sĩ, tuy nhiên khi hậu kiểm phát hiện đề tài có vấn đề, luận án của nghiên cứu sinh không đạt thì áp dụng theo đúng quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ đó là thu hồi văn bằng này.
Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, để tránh xảy ra những sai sót không đáng có, các cơ sở đào tạo giáo dục nên làm chặt chẽ ngay từ bước đầu.
Trước tiên, nghiên cứu sinh đề xuất đề tài, người hướng dẫn có nhiệm vụ đánh giá xem xét nhiều yếu tố, đề tài có khả năng phát triển được không. Sau đó, nghiên cứu sinh tiến hành làm đề cương sơ bộ để đưa ra bộ môn giống như ‘hội đồng hẹp’ của chuyên ngành đó.
Thứ hai, khi được ‘hội đồng hẹp’ thông qua thì đăng ký đề tài với cơ sở đào tạo.
Thứ ba, nghiên cứu sinh hoàn thành luận án phải đưa luận án cho những người trong bộ môn, chuyên ngành đó đọc từ ít nhất một tuần đến nửa tháng. Đọc xong, họ mang luận án đó ra tổ bộ môn thảo luận kỹ các vấn đề như nội dung khoa học, ý nghĩa đề tài, cấu trúc triển khai,..
Ngoài ra, luận án sẽ được đưa đến ít nhất 2 người phản biện kín thẩm định lại. Nếu trong 2 người có 1 người kết luận thông qua và người còn lại không thông qua thì luận án sẽ được gửi đến người thứ 3. Sau khi thảo luận và góp ý, nghiên cứu sinh tiếp thu, chỉnh sửa lại và hoàn thiện.
Thứ tư, nghiên cứu sinh chỉnh sửa xong, cơ sở đào tạo có nhiệm vụ thành lập một hội đồng gồm 7 thành viên hay còn gọi là bảo vệ luận án ở cấp bộ môn. Hội đồng đó sẽ xem xét, đưa ra những góp ý, nhận xét về nội dung và hình thức để nghiên cứu sinh chỉnh sửa. Trường hợp đưa đề tài ra cấp cơ sở và hội đồng đánh giá không đạt yêu cầu, khi đó bắt buộc phải làm lại luận án.
Thứ năm, khi chỉnh sửa xong, thầy hướng dẫn báo cáo cơ sở đào tạo để cơ sở bố trí, sắp xếp một hội đồng khác có thể là cấp trường, cấp viện gồm 7 thành viên, 3 phản biện. Họ căn cứ vào điều 20, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy trình đào tạo tiến sĩ xem xét luận án có đạt yêu cầu không.
Nghịch lý: Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn để lọt những luận án có “vấn đề” ?
Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, quá trình để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ rất kỳ công.
Vây nhiều người thắc mắc, trải qua một quy trình chặt chẽ như vậy thì tại sao vẫn để lọt những luận án tiến sĩ được coi là “không đủ tầm”, “phạm vi hẹp”, “không mang tính khoa học” và “không có tính thực tiễn cao” như luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.
Lý giải vấn đề trên, Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho rằng: “Tôi thấy tên đề tài không xứng đáng là tên của một đề tài luận án tiến sĩ. Trước đây, có đề tài tên ‘Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc’ gây xôn xao dư luận thì đề tài cầu lông này cũng vậy.
Để có thể trở thành một luận án tiến sĩ thực thụ thì ít nhất đề tài phải đáp ứng được hai yếu tố: hàm lượng khoa học cao và có tác động tới xã hội.
Trải qua quá trình bảo vệ chặt chẽ như vậy nhưng vẫn để lọt những luận án không đủ “tầm” như trên thì tôi thấy hội đồng từ cấp cơ sở cho đến hội đồng cấp trường, viện rất dễ dãi hoặc có sự nể nang. Đã ngồi vào vị trí hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải là những người có trình độ chuyên môn cao, họ biết đề tài có vấn đề nhưng lại dễ dãi cho qua. Đây là vấn đề cần phải lên án.
Từ đấy, nhiều hệ lụy kéo theo như chất lượng tiến sĩ không được đảm bảo, uy tín của bản thân hội đồng đó cũng bị ảnh hưởng. Nếu trường hợp hậu kiểm lại và phát hiện luận án đó không đạt yêu cầu thì coi như 3-4 năm học của nghiên cứu sinh coi như vô ích. Chính vì vậy, hội đồng cần làm đúng trách nhiệm ngay từ đầu để tránh những hậu quả không đáng có về sau”.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình chia sẻ thêm: “Quá trình hậu kiểm luận án vẫn diễn ra thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi cơ sở giáo dục sẽ có khoảng 20 - 30% những luận án được rút ngẫu nhiên đem đi thẩm định lại. Những luận án này phải xóa hết thông tin từ tên tác giả đến người hướng dẫn, sau đó gửi cho 2 nhà khoa học độc lập thẩm định lại từ tên đề tài, nội dung và hình thức".