Nghịch lý bến xe khách ở Quảng Nam: Sống dở chết dở, bến xe thành...cơ sở đúc gạch!
Nằm ở cửa ngõ, trên tục đường QL1 và ngay trung tâm, nhưng các bến xe khách: Bắc Quảng Nam, Tam Kỳ, Nam Phước rời vào cảnh 'sống dở, chết dở'.
Bến xe biến thành...cơ sở đúc gạch, kho vật liệu xây dựng
Có mặt tại bến xe khách Bắc Quảng Nam, PV Tạp chí Giao thông vân tải ghi nhận một nhóm du khách người nước ngoài đang ngồi "vật vạ" ngay hành lang cổng vào bến xe. Túi xách, ba lô bỏ ngổn ngang dưới nền đất. Đứng khá lâu, nhóm người này lật mấy chiếc ghế nhựa bể nát, hư hỏng, phủ đầy bụi bẩn ở góc tường lên ngồi tạm.
Một người phụ nữ dân đoàn khách cho biết, sau khi kết thúc thời gian du lịch ở Hội An, nhóm du khách nước ngoài tiếp tục hành trình đến thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bằng xe khách. "Hội An không còn bến xe khách và cũng không có tuyến xe khách nào từ Hội An đi Đà Lạt, nhóm lên bến xe khách Bắc Quảng Nam nhưng vẫn tìm không có xe đi, nên cả đoàn đặt vé xe từ Đà Nẵng đi Đà Lạt", người phụ nữ này nói.
Cũng chung hoàn cảnh, ông Tuấn (quê xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng vợ và 2 người con nhỏ ra bến xe khách Nam Phước (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) bắt xe khách đi TP. Hồ Chí Minh. Ở đây chỉ còn một đơn vị đăng ký hoạt động vận tải hành khách, nhưng đến cuối giờ chiều xe mới từ Đà Nẵng vào đón. Trong thời gian ngồi chờ xe, gia đình anh phải ngồi đợi hơn 3 tiếng đồ trong mái che xập xệ, mái tôn thấp lè tè, nóng như nung.
"Không chỉ lần này, mà mỗi khi về quê, hay đi đâu bằng xe khách là một cực hình. Mang tiếng là bến xe khách, nhưng bến xe khách Nam Phước gần như không có tuyến xe khách nào, đường ngắn cũng như đường dài. Đặt vé qua mạng, hay gọi điện đặt vé cho nhà xe quen, từng đi cũng phải ra bến xe chờ, nhưng bến xe lại không có chỗ ngồi chờ. Bến xe bây giờ trở thành kho bãi chất hàng, cho thuê buôn bán hàng hóa", anh Tuấn nói.
Đúng như người dân phản ánh, theo quan sát của PV, khu vực bến xe khách Nam Phước nằm ngay trên trục QL1 nhưng trở thành một kho bãi chất đủ loại hàng hóa. Nếu như không có tấm biển "bến xe khách Nam Phước" phía ngoài thì không ai nghĩ đây là một bến xe khách. Từ cổng vào, căn nhà bảo vệ bến xe cửa đóng tứ bề. Trên tường có gắn các biển thông báo về hoạt động bến xe ngã màu cũ kĩ. Cạnh nhà bảo vệ khu vực bán vé xe cũng im lìm. Quầy bán vé xe nằm trong mái nhà tôn thấp quá đầu người nằm sát tường rào cũng vắng như 'chùa bà đanh", không một bóng người. Khu vực sân bãi có trở thành bãi tập xe hết "đát", xưởng sửa chữa xe cơ giới, kho hàng gạch...Tuyệt nhiên không thấy một hoạt động nào đúng nghĩa của bến xe khách.
Tương tự, bến xe Bắc Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) cũng rơi vào "nghịch lý". Nằm ở cửa ngõ vào trung tâm thị xã Điện Bàn, bến xe khách này có diện tích hơn 7,58ha, được đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, đưa vào sử dụng vào năm 2009. Hơn 10 năm qua, bến xe khách Bắc Quảng Nam do Công ty TNHH Đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam quản lý, sử dụng, nhưng hoạt động không hiệu quả, "sống dở, chết dở". Khu vực bến xe cũng trở thành các kho, bãi đủ các loại hàng hóa, kinh doanh. Đáng nói, các loại hình kinh doanh này không liên quan gì đến hoạt động, hay gắn liền với dịch vụ bến xe khách. Thậm chí, đơn vị khai thác bến xe cho người dân thuê làm cơ sở sản xuất gạch không nung.
Bến xe đìu hiu, doanh nghiệp "sống dở chết dở"
So với các bến xe trong toàn tỉnh Quảng Nam, bến xe Tam Kỳ (TP. Tam Kỳ) được xem còn duy trì được hoạt động, tuy nhiên, các tuyến, nhà xe hoạt động cũng chỉ trên đầu ngón tay. Có mặt tại bến xe Tam Kỳ vào cao điểm hoạt động vận tải của các kỳ nghỉ, lễ, tết nhưng khung cảnh bến xe thưa vắng. Phương tiện, người dân qua bến xe Tam Kỳ lác đác.
Trong khu vực bến, có 1-2 xe buýt tuyến Tam Kỳ - Bắc Trà My chờ phiên xuất bến nhưng gần như không có khách. Khu vực cổng bến xe, thỉnh thoảng có xe khách tuyến Đà Nẵng dừng đón, trả khách. Khu vực quầy bán vé xe im lìm, đìu hiu, không một bóng người. Khu vực dịch vụ sửa chữa, bão dưỡng xe cũng thưa vắng, im ắng đến lạ.
Ông Trương Khuê, Giám đốc Công ty CP bến xe Quảng Nam cho biết: Liên tiếp nhiều năm qua, Công ty CP bến xe Quảng Nam làm ăn thua lỗ. Năm 2005, bến xe Tam Kỳ được đầu tư xây dựng trên nền diện tích đất rộng hơn 32.000m2, theo tiêu chuẩn loại 2, tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2005, tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động khai thác kinh doanh của bến xe hiệu quả không cao. Trong khi đó, tình hình xe dù, bến cóc hình thành, hoạt động ở khu vực nội đô TP. Tam Kỳ, cửa ngõ thành phố hết sức phức tạp.
Theo ông Khuê, Công ty CP bến xe Quảng Nam là doanh nghiệp được cổ phần hóa vào năm 2018 từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GTVT là Ban Quản lý bến xe, có vốn điều lệ hơn 13 tỷ đồng, nhà nước nắm quyền chi phối với hơn 96,5%.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, do thực hiện chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ đến địa điểm mới, Công ty hoạt động rất khó khăn, làm ăn thua lỗ. Có nhiều nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, nhưng chủ yếu xuất phát từ chủ trương di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới đến nay vẫn chưa giải quyết.
Theo đại diện các đơn vị quản lý các bến xe trên địa bàn Quảng Nam, hiện nay lĩnh vực vận tải đường bộ ngày càng thu hẹp do phương tiện cá nhân phát triển, các loại hình vận tải khác cạnh tranh gay gắt, nhiều phương tiện chuyển sang các bến xe khác trên địa bàn, tình trạng bến cóc, xe dù chưa được xử lý dứt điểm, các xe không vào bến vẫn ngang nhiên hoạt động trái pháp luật… dẫn đến lượng phương tiện sử dụng dịch vụ tại bến xe Tam Kỳ ngày càng giảm.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nhìn nhận, bến xe Bắc Quảng Nam nằm ngay cửa ngõ phía Bắc thị xã Điện Bàn và cũng của tỉnh Quảng Nam, vị trí ngay trên tuyến QL1, tuy nhiên, các xe khách đường dài ít cập bến đón khách, dẫn đến tình trạng bến xe nhưng hầu như không có xe hoạt động. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bến xe được các đơn vị, cá nhân thuê mướn để hoạt động kinh doanh, nhưng những hoạt động này không phải là hoạt động vận tải. Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng không sửa chữa dẫn đến tình trạng bến xe xuống cấp, nhếch nhác.
"Gọi là bến xe khu vực Bắc Quảng Nam nhưng hầu như không có tổ chức các hoạt động liên quan vận tải, kể cả vận tải hành khách công cộng, cho nên không thu hút xe khách vào bến, không hình thành thói quen vào bến đi xe của người dân. Thời gian quan, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Nam có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của bến xe Bắc Quảng Nam, nhưng đến nay những bất cập vẫn tồn tại, bến xe có như không", ông Hà nói.
Ông Lê Quang Hiếu, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, hiện nay, bến xe Tam Kỳ chỉ khai thác 6 tuyến cố định nội tỉnh, 10 tuyến cố định liên tỉnh; bến xe Bắc Quảng Nam thì chỉ còn duy nhất 1 tuyến cố định liên tỉnh và và bến xe khách Nam Phước có 1 tuyến cố định nội tỉnh, 1 tuyến cố định liên tỉnh.