Nghịch lý bóng đá xứ người và xứ ta
Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) và Leonel Messi (Argentina) là một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới trong hơn một thập niên trở lại đây.
Ronaldo sinh ngày 5-2-1985, hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho CLB Manchester United (Anh) và là đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Bồ Đào Nha. Bảng thành tích của Ronaldo thật khó ai có thể bì kịp khi anh này từng là chủ nhân của 5 Quả bóng vàng châu Âu (các năm: 2008, 2013, 2014, 2016, 2017); 4 lần đoạt Chiếc giày vàng châu Âu (các năm 2008, 2011, 2014, 2015) - cả hai đều là kỷ lục của một cầu thủ châu Âu. Ronaldo cũng đang nắm giữ vô số kỷ lục và hiện là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải vô địch bóng đá châu Âu; một trong số ít những cầu thủ đã có hơn 1.100 lần ra sân và đã ghi hơn 800 bàn thắng trong sự nghiệp cho cả các CLB lẫn đội tuyển quốc gia...
Mùa giải năm ngoái, Ronaldo là cầu thủ hưởng lương cao nhất giải bóng đá Ngoại hạng Anh, với mức hơn 500.000 bảng/tuần (tức hơn 2 triệu bảng/tháng). Đây là mức lương cao ngất mà không phải đội bóng nào ở lục địa già cũng có thể kham nổi - có lẽ chỉ trừ 2 “gã nhà giàu mới nổi” là Manchester City (Anh) và Paris Saint German (Pháp) vốn thuộc quyền sở hữu của các tỷ phú người Ả Rập ở Trung Đông.
Điều đáng nói là, ở thời điểm hiện tại, Ronaldo đang muốn chia tay đội bóng Manchester United để tìm một bến đỗ mới trong sự nghiệp nhưng anh vẫn chưa được toại nguyện. Một phần, như đã nói, không nhiều đội bóng đáp ứng được mức lương của siêu sao người Bồ Đào Nha. Phần khác lớn hơn, kể cả có điều kiện đáp ứng được mức lương ấy - như Manchester City hay Paris Saint German - thì các ông chủ hay huấn luyện viên của họ cũng không “mặn mà” bởi một lý do đơn giản: Ronaldo đã quá tuổi 37. Trong bóng đá, khi một cầu thủ bước qua tuổi 34 - 35 đương nhiên được xếp hàng “lão tướng”, không còn giữ đỉnh cao phong độ.
Ấy thế nhưng gần đây, người hâm mộ bóng đá nước nhà không khỏi giật mình trước thông tin: huấn luyện viên (HLV) Đặng Trần Chỉnh của đội bóng vốn giàu thành tích, đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League) B.Bình Dương dự tính đăng ký cho cựu cầu thủ Huỳnh Kesley Alves làm tiền đạo của CLB trong giai đoạn 2 của V.League 2022 tới đây vì họ đang thiếu chân sút ghi bàn. Đội bóng đất miền Đông Nam Bộ đang chờ xem liệu tiền đạo người gốc Brazil có đáp ứng được những yêu cầu về thể lực trong các bài kiểm tra hay không? Cần nói thêm là Huỳnh Kesley Alves dẫu từng giành ngôi Vua phá lưới sân chơi V.League 2005 với 21 bàn thắng; từng góp công không nhỏ vào 2 chức vô địch quốc gia của đội bóng đất Thủ các năm 2007, 2008; giành danh hiệu: Chiếc giày vàng Việt Nam (2009), Quả bóng đồng Việt Nam (2011)… thì anh này cũng đã 41 tuổi (Huỳnh Kesley Alves sinh năm 1981). Huỳnh Kesley Alves lại có đến 3 năm không chơi bóng, sau khi giải nghệ trong màu áo CLB TP Hồ Chí Minh năm 2019 và đang làm trợ lý HLV cho đội U15 B.Bình Dương.
Chúng ta có thể phần nào hiểu được tâm tư của HLV Đặng Trần Chỉnh khi các tiền đạo B.Bình Dương đang thể hiện một phong độ sa sút. Song chuyện một đội bóng năm nay chỉ xác định mục tiêu trụ hạng, từng tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ lại quyết định vời đến một cầu thủ đã ngoài 40 tuổi, 3 năm nay không hề chơi bóng đỉnh cao (dù chỉ là đỉnh cao V.League) thì quả là nghịch lý! Càng nghịch lý hơn khi rất nhiều cầu thủ trẻ khao khát được ra sân, khao khát thể hiện mình... bị khước từ cơ hội!
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/nghich-ly-bong-da-xu-nguoi-va-xu-ta/24630.htm