Nghịch lý Cánh diều Vàng: Phim hơn 500 tỷ đối đầu phim vài trăm triệu đồng

Năm nay, 18 tác phẩm tranh giải tại Cánh diều 2024 được nhận xét đa dạng thể loại, đề tài. Ngoài bộ phim thành công về doanh thu của Trấn Thành, nhiều tác phẩm được dự đoán thắng giải như 'Hai Muối', 'Đào phở và piano', 'Quỷ cẩu'...

Phim hơn 520 tỷ đồng của Trấn Thành cạnh tranh Hai Muối

Bên cạnh sự trở lại của Trấn Thành với Mai, đường đua đến danh hiệu Cánh diều Vàng hạng mục Phim điện ảnh ngày càng căng thẳng. Năm nay, cuộc đua tại Cánh diều Vàng 2024 có nhiều tác phẩm, đa dạng đề tài, thể loại, từ phim thương mại đến tác phẩm nghệ thuật.

Năm 2023, Trấn Thành và Nhà bà Nữ trượt mất Cánh diều Vàng vào đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và bộ phim Tro tàn rực rỡ. Theo đánh giá của ban tổ chức, nhiều khả năng Trấn Thành "lấy lại tất cả" với Mai (bộ phim ra mắt dịp Tết Nguyên đán 2024 và nhanh chóng lập kỷ lục phim Việt ăn khách nhất mọi thời). Với việc được giới chuyên môn đánh giá cao, Mai được cho là ứng cử viên số một cho giải Cánh diều Vàng năm nay.

Tuy nhiên, sự ra mắt gần đây của Hai Muối và việc bất ngờ tham dự Cánh diều 2024 vào phút chót được nhiều người nhìn nhận là khiến vị trí của Mai bị lung lay.

Hai Muối là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Vũ Thành Vinh. Phim xoay quanh nhân vật ông Hai (Quyền Linh thủ vai) làm nghề muối, có cuộc sống khó khăn nhưng quyết tâm nuôi con gái ăn học.

Sau khi ra mắt, Hai Muối được nhận xét dễ xem, gần gũi, câu chuyện dễ theo dõi. Tuy doanh thu không quá mạnh và ấn tượng như phim của Trấn Thành, nhưng nếu chỉ tính riêng đề tài, Hai Muối chiếm ưu thế hơn so với đối thủ thủ nặng ký là Mai.

Đề tài gần gũi của Hai Muối làm lung lay vị trí của Trấn Thành tại Cánh diều Vàng.

Đề tài gần gũi của Hai Muối làm lung lay vị trí của Trấn Thành tại Cánh diều Vàng.

Phim đề tài lịch sử, quân đội gây ấn tượng

Xét về yếu tố được khán giả dành nhiều sự ưu ái và thảo luận trên các nền tảng xã hội, bên cạnh Mai, điện ảnh do Nhà nước đặt hàng không kém cạnh. Trong năm qua, nhiều bộ phim ra mắt và nhận được ủng hộ mạnh của khán giả, trong đó phải kể đến Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Lần đầu, bộ phim đề tài chiến tranh bất ngờ trở thành hiện tượng phòng vé tại các hệ thống rạp trên toàn quốc. Việc được khán giả quan tâm khiến nhiều trang bán vé ở các rạp phim bị nghẽn vì lượng đặt vé trước tăng bất ngờ. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây với các sản phẩm do nhà nước sản xuất.

Điều đáng ghi nhận là tác phẩm thu hút được sự chú ý của khán giả trẻ với dòng phim lịch sử. Từ lâu, thể loại này kén người xem, không mạnh về yếu tố giải trí.

Bên cạnh Đào, phở và piano, ba cái tên khác là Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn NSƯT Nguyễn Đức Việt), Sao xanh nơi biển sóng (đạo diễn NSƯT Bùi Tuấn Dũng) và Vầng trăng thơ ấu (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) cũng lấy đề tài lịch sử và quân đội nhân dân.

Thế nhưng, sự tiếp cận với khán giả đại chúng của ba bộ phim này còn hạn chế. Vì thế, nhiều người xem chưa thể tiếp cận rộng rãi phim, dẫn đến việc khó cạnh tranh về doanh thu. Dù vậy, việc các nhà làm phim ngày càng khai thác mạnh các yếu tố lịch sử, văn hóa và con người là tín hiệu đáng mừng với điện ảnh nước nhà.

Trong năm qua, ngoài thành công của Đào, phở và piano, NSƯT Phi Tiến Sơn chấp bút kịch bản cho Bà già đi bụi. Bộ phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, do đạo diễn Trần Chí Thành thực hiện.

Với thông điệp nhân văn cùng những cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, phim mang lại cảm xúc chân thực và góc nhìn mới. Bà già đi bụi chưa được công chiếu rộng rãi. Cánh diều Vàng 2024 là nơi tác phẩm này lần đầu tiếp cận khán giả đại chúng.

Đào, phở và piano làm dậy sóng khán giả trẻ dịp đầu năm.

Đào, phở và piano làm dậy sóng khán giả trẻ dịp đầu năm.

Phim độc lập và phim đầu tay của đạo diễn sẽ làm nên chuyện?

Ngoài dòng phim điện ảnh chiếu rạp và tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, dòng phim độc lập cũng có những gương mặt nổi bật.

Tại Cánh diều Vàng 2024, Culi không bao giờ khóc là cái tên nổi bật tranh giải Cánh diều Vàng. Phim đánh bại 15 tác phẩm quốc tế khác để thắng giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature) tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 74 và thắng giải Phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II).

Theo đánh giá của ban tổ chức, nếu Culi không bao giờ khóc lập thành tích tại Cánh diều Vàng, lịch sử sẽ lặp lại với Trấn Thành. Năm ngoái, Nhà bà Nữ của Trấn Thành vuột giải lớn nhất vào bộ phim độc lập Tro tàn rực rỡ.

Giải thưởng Cánh diều 2024 còn thu hút nhiều cái tên vốn hiếm xuất hiện tại giải thưởng truyền thống.

Gây nhiều tranh cãi khi ra rạp, Móng vuốt của đạo diễn Lê Thanh Sơn được nhận xét mang đến bộ phim có tầm nhìn độc đáo, trẻ trung, giống với cách mà nam đạo diễn đã làm với Em chưa 18 cách đây 7 năm.

Đạo diễn trẻ Andy Nguyễn cũng lần đầu tham dự Cánh diều vàng cùngFanti.Bộ phim đối đầu với Live - Phát trực tiếp của đạo diễn Khương Ngọc. Cả hai phim đề cập mặt tối của mạng xã hội cũng như màu phim giật gân khá tương đồng.

Quỷ cẩu được dự đoán làm nên chuyện tại Cánh diều 2024.

Quỷ cẩu được dự đoán làm nên chuyện tại Cánh diều 2024.

Trong năm qua, có nhiều tác phẩm không thành công về mặt doanh thu. Song, ban tổ chức giải Cánh diều vẫn ghi nhận sự nỗ lực của đạo diễn, vực dậy phim Việt. Ba tác phẩm Mùa hè đẹp nhất (đạo diễn Vũ Khắc Tuận), Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) và Đóa hoa mong manh (đạo diễn Mai Thu Huyền) dù nỗ lực quảng bá nhưng không quá nổi bật về thành tích trong năm. Cánh diều Vàng 2024 nỗ lực để khán giả biết đến phim Việt nhiều hơn.

Trong khi đó, Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung dù là tác phẩm ăn khách nhưng đề tài không mới. Chất lượng của phim không quá khác biệt so với tác phẩm trước đây của nam đạo diễn, vì vậy khó có thể làm nên chuyện tại Cánh diều 2024.

Sự đa dạng tại Cánh diều 2024 còn thể hiện qua tác phẩm Quỷ cẩu. Đây được xem là hiện tượng bất ngờ nhất của điện ảnh Việt Nam năm qua. Khán giả và chuyên gia đều bất ngờ trước sự thành công của đạo diễn Lưu Thành Luân. Phim vượt mốc 100 tỷ đồng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Phim được dự đoán sẽ thắng lớn tại Cánh diều Vàng 2024.

Cùng là phim đầu tay, Cái giá của hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm) lại lép vế so với Quỷ cẩu, nhưng mang phong vị khác biệt. Giải thưởng Cánh diều 2024 lần đầu đánh dấu lễ trao giải có nhiều tác phẩm đầu tay tranh giải, từ Hai Muối, Culi không bao giờ khóc, Fanti, Mùa hè đẹp nhất, Quỷ cẩu cho đến Cái giá của hạnh phúc.

18 tác phẩm trong cuộc đua tranh giải Phim điện ảnh hay nhất tại Cánh diều vàng 2024 ngoài việc mang đến sự phong phú trong thể loại và đề tài, thể hiện rõ nỗ lực không ngừng để thay đổi, làm mới và ngày càng nâng cấp sau hơn 20 năm giải thưởng ra đời của Hội điện ảnh Việt Nam. Những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại lễ trao giải diễn ra tối 10/9 tại Quảng trường Nhà hát Đó, Nha Trang.

Trạch Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghich-ly-canh-dieu-vang-phim-hon-500-ty-doi-dau-phim-vai-tram-trieu-dong-post1669702.tpo