Nghịch lý chống tham nhũng trong ngành Y: Tham nhũng vặt chưa xong lại xuất hiện nhiều tham nhũng lớn!

Theo các chuyên gia, việc xuất hiện nhiều vụ việc tham nhũng lớn trong ngành Y đã cho thấy công tác chống tham nhũng trong ngành này không đạt yêu cầu. Cần thiết phải nâng chế tài xử lý, vì tham nhũng trong y tế là thứ tham nhũng 'thất đức', không thể nương tay.

“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”

Ngày 12/12, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội và các thuộc cấp bị tuyên án. Theo đó, ông Cảm bị kết án 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều đồng phạm khác cũng bị kết án 5 năm, 6 năm. Mức án trên dành cho các bị cáo không khiến dư luận thôi bức xúc, bởi trong khi cả nước đang “chống dịch như chống giặc” thì những con người của ngành Y đáng lẽ phải là những chiến sĩ tiên phong nơi tuyến đầu lại lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để trục lợi. Vụ việc này là minh chứng rõ ràng nhất cho thực trạng tham nhũng “ăn không chừa một thứ gì” trong nội tại ngành Y hiện nay.

Theo dõi vụ việc, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Đảng, Nhà nước đang quyết liệt chống tham nhũng. Trong nhiều năm “lò” tham nhũng luôn cháy bất kể “củi tươi, hay củi khô” nhưng ngành Y lại không có chuyển biến lớn. Nhiều người ví tiêu cực trong ngành Y không khác nào một căn bệnh nhờn thuốc, ngày càng bộc lộ nhiều “khối u” di căn từ đơn vị này, đến đơn vị khác. Ngành y vốn từng nêu khẩu hiệu mạnh mẽ chống tham nhũng vặt - một kiểu tham nhũng làm bào mòn niềm tin của nhân dân. Nhưng thời gian qua nhiều vụ việc cho thấy cấp độ tham nhũng trong ngành này đã nâng lên thành tham nhũng lớn, tham nhũng có hệ thống như vụ việc tại CDC Hà Nội, vụ nâng khống máy móc thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai... là những ví dụ điển hình.

Tham nhũng trong ngành Y nổi lên nhiều vụ việc lớn, gây chấn động dư luận. (Trong ảnh: Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị kết án 10 năm tù.)

Bình luận về thực trạng này, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, ngành y được xã hội đề cao là “lương y như từ mẫu” nhưng nay làm những việc như thế nó bất nhân, tham nhũng trên sự đau khổ của người khác thật khó để tha thứ. Đảng và Nhà nước có rất nhiều chế tài để kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát rất mạnh mẽ. Nhưng ngành Y lâu nay chưa siết chặt công tác này. Do đó cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra, giáo dục y đức… để kịp thời ngăn chặn tiêu cực tràn lan.

Tất cả các lĩnh vực cần phải được siết chặt kiểm tra, giám sát, trong lĩnh vực chuyên môn như ngành Y cũng không thể để lơi lỏng. Tham nhũng trong ngành Y là rất đau lòng, người bệnh đã không có tiền, bí bách mà những đối tượng này còn tìm cách ăn bớt thì không thể chấp nhận. Mỗi khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

Hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người thuộc diện chính sách, người nghèo cho thấy tính ưu việt của chế độ. Nhưng ngành Y trục lợi trên người bệnh là làm mất uy tín của ngành, ảnh hưởng đến vai trò của Đảng và Nhà nước” - ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, việc ngành Y gần đây phát sinh ra nhiều vụ việc tham nhũng lớn cho thấy công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Lâu nay dư luận tập trung phàn nàn tham nhũng vặt của ngành Y mà chủ yếu ở các bệnh viện khi bệnh nhân đến điều trị bị vòi vĩnh khiến họ bức xúc, khó chịu. Còn những lĩnh vực như đấu thầu thuốc, thuốc giả, đặc biệt là liên quan đến thiết bị y tế có biểu hiện tham nhũng rất lớn nhưng ít người quan tâm.

Lĩnh vực về thuốc, thiết bị y tế mang tính chuyên môn chuyên sâu khó có thể phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Nên từ lâu nay lĩnh vực này “trong bóng tối” ít được đưa ra dư luận. Các thiết bị y tế thường do bệnh viện nhập về, tính toán trong nội bộ, không công khai, không có thông tin nên người dân không thể biết. Nội bộ ngành Y lại không công khai, minh bạch nên khó để phát hiện. Gần đây một số vấn đề tiêu cực trong đấu thầu thuốc, giá thiết bị y tế xuất hiện thì dư luận mới biết. “Ngành y tế hay tự xưng là “lương y như mẹ hiền” nhưng thực ra có tình trạng lợi dụng nâng giá, viện phí của bệnh nhân. Không ít kẻ sẵn sàng nâng giá thuốc, đưa thuốc giả vào bệnh viện, nâng khống thiết bị y tế để chia chác, hưởng lợi. Đây là một vấn đề cảnh tỉnh dư luận là không nên quá tin vào những câu khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”.

Hiện tham nhũng, tiêu cực đã thâm nhập vào bất cứ lĩnh vực, đối tượng nào. Các nhóm lợi ích trong lĩnh vực y tế đã hình thành, điều này được chứng minh qua hàng loạt vụ việc nâng thiết bị y tế xảy ra, có những vụ việc đã bị truy tố, nhiều tỉnh có tình trạng lợi dụng Covid-19 để nâng khống giá thiết bị y tế. Theo tôi, thực trạng này không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra lâu nay trong nội bộ nhưng chưa được xem xét, xử lý nghiêm khắc.

Ngành Y khép kín nên không dễ phát hiện. Những vụ việc xảy ra vừa qua chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, phanh phui một thực tế như “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, bản chất là đã âm ỉ từ lâu” - ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Đã phát hiện thì xử lý thật nghiêm khắc

Để hạn chế tình trạng này, theo ông Lê Văn Cuông phải đẩy mạnh công khai minh bạch trong ngành Y. Vừa rồi, sau nhiều vụ phát hiện nâng khống thiết bị y tế, Bộ Y tế đã chủ trương công khai giá vật tư, giá thuốc trên cổng công khai y tế. Đây là một biện pháp giúp ngăn chặn tiêu cực vì người dân có cơ sở đối chiếu giá thuốc, giá thiết bị y tế. Trước đây, người dân có nghi ngờ về giá thuốc, giá thiết bị y tế cũng không thể phản ánh vì không có cơ sở để đối chiếu. Vì không phát hiện được nên “vòi bạch tuộc” của nhóm lợi ích đã tung ra khắp nơi từ tỉnh đến huyện thậm chí đến các cơ sở y tế để nâng khống, chia chác, tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, việc công khai trên cổng công khai y tế phải chi tiết, rõ ràng từ giá thuốc, giá nhập khẩu, giá thiết bị y tế… có như vậy người dân mới dễ phát hiện ra gian lận, sai phạm. Cũng theo vị này, ngoài vấn đề công khai thì công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành Y phải thường xuyên được tiến hành. Trong nội bộ ngành Y mới nắm được cụ thể giá thuốc, chất lượng thuốc, giá thiết bị, chất lượng các thiết bị vật tư y tế vì đây là lĩnh vực khó, nhạy cảm. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành đòi hỏi phải có chuyên môn cao, bản lĩnh, liêm khiết, liêm chính thì mới giám sát được. Do đó, phải quan tâm lực lượng thanh tra chuyên ngành lĩnh vực y tế.

Ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Ngoài các biện pháp trên thì cần xử lý thật nghiêm khắc đối với các trường hợp phát hiện sai phạm. Tham nhũng ở lĩnh vực nào cũng đáng lên án nhưng tham nhũng ở lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân càng bị lên án hơn. Lĩnh vực này khi xử lý sai phạm thì chế tài phải mạnh hơn so với các lĩnh vực khác. Không thể để việc trục lợi trên sự đau khổ của bệnh nhân một cách có hệ thống. Người bệnh đã đau đớn về thể xác, còn phải trả thêm tiền như vậy là thất đức, cần phải xử lý nghiêm”.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy việc chống tham nhũng trong ngành Y tế là chưa đạt yêu cầu. Trong khi, hệ lụy của tình trạng tham nhũng trong ngành Y lại đổ lên đầu bệnh nhân. Chính vì thế cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc. Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chống tham nhũng quyết liệt thì ngành Y không thể kéo dài tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, càng chống thì tham nhũng trong ngành lại càng phức tạp, đi ngược lại với xu thế chung là không thể chấp nhận.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghich-ly-chong-tham-nhung-trong-nganh-y-tham-nhung-vat-chua-xong-lai-xuat-hien-nhieu-tham-nhung-lon-post109403.html