Nghịch lý công chức, người lao động rất khó mua được nhà nhưng nhiều đô thị 'xây xong không ai ở'

Đại biểu nêu thực tế giá bất động sản 'phi mã', người nghèo, lao động, công chức rất khó mua được, 'một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà', nhưng tại sao không có cơ chế gì để thí điểm, tháo gỡ cho các vướng mắc của nhà ở xã hội?

Băn khoăn hệ lụy tiêu cực, mua gom đất đai chờ tăng giá

Thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, sáng 21/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Công Long (Đồng Nai) bày tỏ lo ngại với một số chính sách của nghị quyết. "Thí điểm đất đai khác với chính sách khác. Một khi đã xây dựng công trình trên đó, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không có khả năng khắc phục nữa, tác hại khôn lường, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta thực hiện nhiều mục tiêu an ninh lượng thực và các mục tiêu khác", ông nói.

ĐBQH Nguyễn Công Long.

ĐBQH Nguyễn Công Long.

Đề cập khía cạnh pháp lý, đại biểu băn khoăn, nếu thông qua nghị quyết này thì sẽ tạo ra các hành lang pháp lý như thế nào? Quốc hội đã kỳ công ban hành pháp luật về đất đai, bất động sản, tới nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện cơ chế ban hành cho kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, quy hoạch. Tuy nhiên, nếu nay lại có nghị quyết thí điểm khác, nhà đầu tư không cần tuân thủ đúng các yêu cầu của các luật trên. Như vậy, chúng ta có 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản. Một cái tuân thủ đầy đủ pháp luật hiện hành và thứ hai là nghị quyết này với nhiều ưu thế hơn. Như vậy sẽ tác động đến thị trường như thế nào?

Ông cũng nêu vấn đề trăn trở của cử tri. Đó là giá bất động sản "phi mã", người nghèo, lao động, công chức rất khó mua được. "Người ta tính, một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà", ông nêu thực tế. Bên cạnh đó, cử tri đặt câu hỏi, tại sao không có cơ chế gì để thí điểm, tháo gỡ cho các vướng mắc của nhà ở xã hội trong khi đó, dự thảo nghị quyết này chỉ hướng tới nhà ở thương mại? "Đối với những đối tượng yếu thế chúng ta lại không có chính sách gì cả, đây là vấn đề rất đáng cân nhắc".

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Công Long, hiện nhiều địa phương đang không vướng mắc trong việc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án nhà ở thương mại. Vậy tại sao lại phải đồng loạt thí điểm hết toàn bộ? Phạm vi thí điểm theo ông cũng cần cân nhắc, không thể nào "mở đại trà" như thế này được.

ĐBQH Đỗ Huy Khánh.

ĐBQH Đỗ Huy Khánh.

Dẫn các hệ lụy tiêu cực như thu gom đất nông nghiệp, đầu cơ đất đai, mua gom đất đai chờ tăng giá..., đại biểu cho rằng, ttình trạng thu gom đất nông nghiệp xảy ra hàng chục năm nay rồi. "Chúng tôi hiểu tại sao các hiệp hội, nhà đầu tư rất kiên trì trong việc vận động Chính phủ, Quốc hội theo đuổi chính sách này. Đó là vì lợi nhuận. Với nhà ở thương mại, lợi nhuận tối đa nhất là chênh lệch địa tô. Nếu chiểu theo các luật hiện hành dư địa không còn nhiều nên mới nhằm vào câu chuyện đất đai này. Đây là vấn đề quan ngại, phải kiểm soát" - ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Từ đó ông kiến nghị phải có giải pháp hợp thức hóa tất cả hiện trạng mua gom đất đai, không để thu gom đất lúa, đất rừng, đất sản xuất. Trong dự thảo có quy định chỉ được phép thực hiện ở khu vực đô thị, không vượt quá 30% diện tích tăng thêm trong quy hoạch. Theo ông, giới hạn phạm vi diện tích này cần thiết nhưng cách họ "nới room" không khó. "Điều quan trọng nhất 30% này nằm ở đâu, nếu rơi hết vào đất lúa, đất rừng thì không còn khả năng khắc phục", ông bổ sung.

Cùng chung trăn trở, ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) phân tích: "Hôm nay đứng đây tôi nghĩ rằng, "tấc đất tấc vàng", tài nguyên đất là vô giá. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nhà ở thương mại dịch vụ từ Hà Giang kéo xuống mũi Cà Mau rất nhiều, có những đô thị "không có người, xây nhà lên không ai ở". Vậy mà hôm nay chúng ta tiếp tục thí điểm, làm 30% nữa, trong khi nhu cầu thực sự mà người dân quan tâm là nhà ở xã hội thì tại sao chúng ta không dành các quỹ đất, các nghị quyết mà người dân đang rất cần?".

Ông nêu nghịch lý, người dân thu nhập thấp, tiền lương 7 triệu, 10 triệu không đủ tiền để mua nhà ở thương mại, cán bộ, công chức làm việc tại thành phố lớn hay công nhân các khu công nghiệp bốc thăm 5 lần 7 lượt mong muốn một căn nhà để ở 50m2 cũng rất khó khăn, trong khi đó chúng ta làm chính sách nhà ở thương mại mà có các đô thị không có người ở, nếu như có kinh doanh đi chăng nữa cũng chỉ "mua bán trên giấy tờ rồi để đó"...

Lo ngại thao túng giá đất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ

ĐBQH Phạm Đức Ấn.

ĐBQH Phạm Đức Ấn.

ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, nhưng cần giới hạn phạm vi như thế nào cho phù hợp. Liên quan quyền để thỏa thuận giá, nhất là đối với đất không pải đất ở, bài toán gây ra tranh chấp trước đây rất nhiều là chuyển từ đất không phải đất ở sang đất ở, có thể từ 500.000 đồng/m2 lên tới 20 triệu đồng/m2. "Như vậy, chúng ta đang tạo ra địa tô tuyệt đối từ một quyết định hành chính, lợi ích này ai sẽ đạt được? Chính vì lợi nhuận đó nên người có đất không muốn bàn giao, và việc thỏa thuận là cần thiết, nhưng chính việc thỏa thuận cũng tạo ra mặt bằng giá của đất không phải đất ở".

Lúc đó, theo ông, nếu theo phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì sẽ dẫn đến, cùng một loại đất mà Nhà nước đang muốn thu hồi theo mục đích của Nhà nước, một bên thì doanh nghiệp hoặc tư nhân sẵn sàng thỏa thuận mua theo giá đất nông nghiệp, chẳng hạn chỉ 500.000 đồng/m2 nhưng sẵn sàng trả giá cao 2-3 triệu đồng/m2. Khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án người dân sẽ có so sánh, họ bảo, "sao của tôi cũng đất nông nghiệp mà Nhà nước chỉ trả tôi 500.000 đồng?" Rõ ràng vấn đề này sẽ nảy sinh tranh chấp và việc thu hồi của Nhà nước sẽ rất khó khăn.

Ông nhận định, đến lúc chúng ta phải xem xét lại vấn đề "đất theo giá thị trường", nhưng chính giá đất theo thị trường này cũng đang bị thao túng. Khi định giá đất cụ thể, cơ quan Nhà nước cũng rất ngại việc định giá, do có những mặt bằng thị trường nhưng tư nhân kiểm soát giá. Vì vậy, ông đồng tình việc thí điểm nghị quyết này, song cũng rất mong Quốc hội sắp tới có phiên họp chuyên đề để thảo luận, tháo gỡ các vấn đề, giao Chính phủ đưa ra một số nguyên tắc để chúng ta xử lý phần đất hiên tại, nhưng không nên "mở" quá rộng.

"Cùng với đó, đánh thuế đối với lợi nhuận, lợi tức, lợi ích trong kinh doanh bất động sản, điều tiết giá đất đai ở mức độ hợp lý để mọi người đều có thể tiếp cận", ĐBQH Phạm Đức Ấn nêu quan điểm. Ông cũng lo ngại giá đất như thế này sẽ tạo hệ lụy hàng hóa giá cả, dịch vụ tăng do giá đất phải đền bù rất lớn, gây ra hệ lụy rất lớn cho cả nền kinh tế...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nghich-ly-cong-chuc-nguoi-lao-dong-rat-kho-mua-duoc-nha-nhung-nhieu-do-thi-xay-xong-khong-ai-o-i750935/