Nghịch lý của các tay vợt Việt Nam khi ra sân chơi quốc tế
Buồn cười hơn là nhiều VĐV VN lại mang tính ngôi sao. Trong khi đó phụ huynh thì bênh vực con, thậm chí hạch sách vì sao con của họ không phát triển, mà họ quên không tự hỏi vì sao cũng môi trường này, cũng phương pháp huấn luyện này, mà con họ không phát triển bằng những người khác?
Hai giải trong hệ thống ITF World Tennis Tour M25 với tổng giải thưởng mỗi giải 25.000 USD đã và đang được tổ chức ở Tây Ninh. Giải đầu tiên diễn ra từ 29.9 đến 6.10 và giải thứ hai từ 7 đến 13.10. “Người con Tây Ninh” – Lý Hoàng Nam – tay vợt số 1 Việt Nam đã vào đến chung kết giải lần thứ nhất, nhưng bị loại ngay trận đầu tiên trước hạt giống số 1 Yan Bai ở giải lần hai - người mà Nam đã thắng ở trận bán kết giải lần nhất.
Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải Đăng – vừa là nhà tài trợ, vừa là nhà tổ chức - đã chia sẻ cái nhìn của ông về các tay vợt trẻ Việt Nam.
- Những tay vợt nam có thể nói là giỏi nhất Việt Nam hiện nay và tương lai như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Nguyễn Văn Phương đã về khoác áo cho Hải Đăng Tây Ninh. Ông có đánh giá gì về họ?
- Phong cách sống cùng ý chí luyện tập của Hoàng Nam rất tốt, nhưng Nam phải thay đổi, chỉnh sửa lối chơi, cần tự tin tung các cú đánh quyết liệt, có lực dứt điểm thay cho các cú đánh đều chờ đối phương đánh hỏng. Chính lối đánh này, chính cách tiếp cận mới đã giúp Nam tiến bộ rất nhiều trong thời gian qua và nhờ đó Nam mới có thể có những trận thắng để vào đến bán kết giải lần này.
Với Linh Giang và Văn Phương, cả hai đều có tài năng, nhưng còn rất nhiều mặt phải thay đổi và điều này phụ thuộc vào đội ngũ HLV nước ngoài, đặc biệt là ở bản thân Giang và Phương. Tôi đã làm việc và đưa ra thời gian cùng mục tiêu cụ thể với các HLV nước ngoài và với Giang, Phương. Nếu không đạt thì sẽ có sự thay đổi lớn.
- Ông có thể nói rõ hơn?
- Tôi tổ chức các giải quốc tế không chỉ tạo điều kiện cho các VĐV Việt Nam có điều kiện cọ xát thi đấu, học hỏi kinh nghiệm, tích lũy điểm để phấn đấu có được vị trí tốt nhất đúng với năng lực của mình trên bảng xếp hạng ATP, mà trên hết tôi mong muốn các VĐV VN mắt thấy, tai nghe sự chuyên nghiệp của các VĐV nước ngoài khi họ đã chọn đi theo con đường quần vợt.
Có nhiều VĐV nước ngoài đã đi một mình, không có HLV, phải tự lo tất cả mọi chi phí cũng như tự lên kế hoạch trong sinh hoạt đời thường lẫn thi đấu. Thậm chí họ chấp nhận tốn kém dù chỉ được nằm trong danh sách chờ để được thi đấu ở vòng loại. Tôi nhấn mạnh điều này để thấy rằng, VĐV VN quá sung sướng khi được “bao cấp” toàn bộ thế mà nhiều VĐV VN không cảm nhận đầy đủ giá trị khi nhận được nhận suất đặc cách thi đấu ở vòng loại cũng như là vòng chính.
Buồn cười hơn là nhiều VĐV VN lại mang tính ngôi sao. Trong khi đó phụ huynh thì bênh vực con, thậm chí hạch sách vì sao con của họ không phát triển, mà họ quên không tự hỏi vì sao cũng môi trường này, cũng phương pháp huấn luyện này, mà con họ không phát triển bằng những người khác? HLV hiện nay ở Hải Đăng cũng có vấn đề và môi trường QVVN cũng thế. Có bước vào mới thấy phức tạp khiến cho các nhà đầu tư sẽ nản chí.
- Vậy ông sẽ làm gì và chờ đợi gì để thay đổi theo chiều hướng tích cực?
- Tôi cũng đã sai lầm khi bao cấp. Tôi đơn giản nghĩ và hy vọng với tâm huyết, lòng bao dung bỏ qua tất cả những cái riêng và mong tất cả từ VĐV, phụ huynh, HLV, xã hội... cùng nhau bỏ qua cái tôi để xây dựng cho cái chung, thì có thể góp phần thay đổi dần dần. Đó là lý do ngay từ đầu, tôi đã họp với bộ máy điều hành và đặt ra mục tiêu sau 5 năm đầu tư, Trung tâm quần vợt Hải Đăng có thể cân đối thu chi, tự nuôi được bộ máy vận hành, vì không ai có thể chi mãi như thế này được. Vì vậy khi môi trường thể thao bao cấp không đổi, những tư tưởng bao cấp còn tồn tại, thì Hải Đăng phải thay đổi.
- Và ông sẽ thay đổi thế nào?
- Tôi trao đổi thẳng thắn với mọi thành viên và đưa ra những mục tiêu cụ thể, 3 tháng, 6 tháng... nếu không đạt được thì theo quy luật đào thải.
Với Lý Hoàng Nam và hai VĐV trẻ Cao Ngọc Lâm 14 tuổi và Ngô Hồng Hạnh 12 tuổi, tôi có kế hoạch đưa qua Mỹ tập huấn, thi đấu dài hạn. Cần có môi trường tốt để 3 VĐV này phát triển, hơn nữa phụ huynh của 3 VĐV này luôn cảm thông, chia sẻ và đồng cảm với chúng tôi. Với Lâm và Hạnh, đây là hai trường hợp đặc biệt, cả hai đều còn trẻ nên chúng tôi sẽ có chiến lược đầu tư kỹ lưỡng vì tiền mất còn có thể kiếm lại được, nhưng thời gian mất là không thể níu kéo lại được. Hơn nữa, tài năng đặc biệt thì không phải lúc nào, thế hệ nào cũng xuất hiện.
Về tương lai định hướng lâu dài cho số đông, tôi mong muốn được kết hợp đầu tư với các trường học quốc tế. Khi vào đây, học sinh vừa được học văn hóa, vừa được học quần vợt và trong suốt quá trình học cho đến sau khi tốt nghiệp lớp 12, các học sinh vẫn có thể thi đấu quần vợt đỉnh cao và sử dụng tiếng Anh lưu loát. Nếu không thể theo quần vợt chuyên nghiệp, thì các học sinh này vẫn đủ kiến thức thi rồi tốt nghiệp đại học để có hành trang kiến thức bước vào đời và chuẩn bị tốt cho cuộc sống tương lai.
Nếu thực hiện được điều này, ở một môi trường lành mạnh, có định hướng cụ thể, tôi tin không ít phụ huynh sẽ cho con em mình theo học.
- Xin cảm ơn ông!
Đặng Hoàng - Ảnh: Phạm Khoa