Nghịch lý đạo đức thời dịch bệnh
Khi bài báo này được viết ra, số người chết vì COVID-19 trên thế giới là 8.965 người. 8.965 người chết trong vòng khoảng 3 tháng, nếu so với số 1,35 triệu người chết vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm và 1,5 triệu người chết vì vi khuẩn lao trong năm 2019, thì 8.965 đơn giản là con sôé̈ nhỏ.
COVID-19 sẽ không bao giờ có thể “cạnh tranh” được với những nguyên nhân phổ biến gây chết người như tiểu đường, đột quỵ, Alzheimer hay ung thư phổi. Thế nhưng, sự xuất hiện đột ngột của chủng virus mới lại làm phơi lộ ra rất nhiều những lỗ hổng của thế giới. Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy thế giới mong manh đến vậy.
Chỉ khoảng tuần trước, trên The Telegraph, một trong những tờ báo lớn nhất nước Anh, giật dòng tít như trong một bộ phim tận thế: “Người Ý trên 80 tuổi sẽ bị bỏ mặc đến chết khi đất nước bị quá tải vì virus Corona”.
Đó tất nhiên là một cách giật tít gây sốc. Bởi trên thực tế, những người Ý trên 80 tuổi chưa hề bị bỏ mặc. Thế nhưng, theo The Telegraph, một văn bản đã được chuẩn bị bởi đơn vị quản lý khủng hoaẩng ở Piedmont - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh - đề xuất rằng, “Các tiêu chí để được tiếp cận trị liệu chuyên sâu trong các trường hợp khẩn cấp phải bao gồm: tuổi dưới 80 hoặc điểm số trên chỉ số độ hấp thụ Charlson [cho biết bệnh nhân đang mắc phải bao nhiêu bệnh lý sức khỏe khác] dưới 5 điểm".
Tất nhiên, nó chưa được áp dụng ngay, không chỉ bởi vì nó cần thêm sự thông qua của một hội đồng khoa học kỹ thuật trước khi được gửi tới các bệnh viện mà còn bởi chưa đến thời điểm buộc người Ý phải hành động như vậy.
“Nếu như không thể cung cấp cho tất cả các bệnh nhân dịch vụ chăm sóc chuyên sâu, sẽ cần thiết phải áp dụng các tiêu chí để được tiếp cận với điều trị đặc biệt, phụ thuộc vào nguồn lực hữu hạn sẵn có”, tài liệu cho biết.
Theo Roberto Testi, Chủ tịch của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Coranavirus vùng Piedmont, nói với The Telegraph: "Ở đây tại Piedmont, chúng tôi đặt mục tiêu trì hoãn càng lâu càng tốt việc sử dụng các tiêu chí này” và họ “muốn trì hoãn muộn nhất có thể thời điểm chúng tôi phải quyết định ai sẽ sống và ai sẽ chết”.
Mặc dù thế, chúng ta hãy giả sử như nếu điều đó xảy ra.
Không cứu những người không thể cứu, điều đó dường như là dĩ nhiên nếu xét trên góc độ lợi ích cộng đồng, nhưng nó khiến người ta phải thực sự suy tư rằng, liệu phải chăng, có những mạng sống không đáng giá bằng những mạng sống khác?
Đạo đức chưa bao giờ là một đường băng thẳng tắp, nó cũng gồ ghề và đầy trắc trở. Câu chuyện về nước Ý gợi liên tưởng tới một thí nghiệm tưởng tượng về đạo đức, một thí nghiệm vẫn thường được nhắc tới với cái tên “nghịch lý xe đẩy”: một chiếc xe đẩy đang lăn trên đường ray xe lửa, trên đường ray đang có 5 người bị trói, nếu đi tiếp về hướng ấy, xe sẽ cán chết 5 người này, bạn đang đứng trên sân ga và bên cạnh bạn là một cần gạt, nếu bạn đẩy cần gạt, xe sẽ hướng về nhánh đường ray khác nhưng đúng lúc ấy cũng có một người đang đi qua. Câu hỏi đặt ra là, bạn sẽ cán 5 người bị trói để cứu 1 người hay sẽ gạt cần để cứu 5 người và giết 1 người? Trong 2 cách, cách nào đạo đức hơn?
Nếu áp vào trường hợp nước Ý, bạn cũng có thể đặt ra một câu hỏi gần tương tự, việc dồn lực cứu những người trên 80 tuổi (thiểu số) có thể sẽ khiến hệ thống y tế không đủ nguồn lực để cứu những người khác (đa số), vậy ta có nên cứu những người già và để một số người trẻ hơn phải chịu thiệt thòi hay chỉ tập trung cứu những người trẻ hơn và bỏ mặc người già? Thứ tự ưu tiên nào thì đạo đức hơn?
Trong trường hợp bạn vẫn chưa cảm thấy điều này đủ nghịch lý, vì dẫu sao đi nữa thì cũng có người phải chết, chết ít vẫn tốt hơn là chết nhiều, vậy thì hãy tiếp tục nghĩ đến một phiên bản khác của “nghịch lý xe đẩy”, nghịch lý này mang tên “nghịch lý cấy ghép”: một bác sĩ phẫu thuật đại tài có 5 bệnh nhân, mỗi người cần ghép một bộ phận trong cơ thể để duy trì sự sống, đáng tiếc là không có một nguồn nội tạng nào cả. Tình cờ, một khách du lịch vãng lai đến thành phố đó và tới khám bệnh, bác sĩ phát hiện anh này có những cơ quan nội tạng phù hợp hoàn toàn với cả 5 bệnh nhân kia.
Giả sử như nếu người khách du lịch này mà biến mất thì cũng không ai nghi ngờ hay có chứng cớ gì buộc tội ông bác sĩ. Vậy theo bạn thì ông bác sĩ có nên giết anh chàng và lấy nội tạng của anh ghép cho 5 người kia và cứu sống họ hay không?
Chắc hẳn, đến thí nghiệm này thì bạn đã thấy có gì đó sai sai nếu như ông bác sĩ đại tài hạ thủ người khách xấu số để cứu 5 bệnh nhân kia. Cho dù người khách xấu số này có bị bệnh nan y đi chăng nữa, liệu anh ta có tự nguyện để hy sinh những tháng ngày ít ỏi còn lại để cứu vớt những người xa lạ hay không? Dẫu anh ta có nói là không, anh ta vẫn muốn sống nốt quãng đời còn lại, bạn cũng không thể trách móc anh ta là kẻ vô cảm.
“Tôi chẳng sợ chết đâu, tôi chỉ không muốn ở đó khi nó xảy ra thôi”, Woody Allen đã nói rồi. Còn trong trường hợp ông bác sĩ bất chấp việc anh ta cảm thấy ra sao, miễn là cứu được càng nhiều người càng tốt thì bạn hẳn thấy ông bác sĩ này có phần đáng sợ.
Song, nói gì đi nữa, một khi đã ở trên cái xe đẩy thì bạn vẫn phải lựa chọn. Vậy thì liệu những triết gia, những người đã đặt ra cái nghịch lý đạo đức này, liệu họ có thể cung cấp một câu trả lời nào sáng tỏ hơn cho những chính phủ đang phải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy?
Một lần nữa, ta lại phải nói rằng, sự đúng - sai trong đạo đức cũng là do ta quy ước mà thôi. Nghịch lý xe đẩy thể hiện rõ sự khác nhau trong quan niệm của hai trường phái triết học đạo đức. Với những người đi theo khuynh hướng đạo đức học nghĩa vụ, cho rằng sự phán xét đúng - sai của một hành động dựa trên bản chất của hành động đó, tức là nếu ông bác sĩ giết một người vô tội thì vì dù bất cứ lí do trời trăng gì nữa, đó cũng là hành động sai. Ngược lại, những người theo hệ quả luận và thuyết vị lợi lại cho rằng, hành động đúng là hành động với những kết quả tốt nhất, vậy nên nếu bạn giết 1 người cho 5 người thì âu cũng là lựa chọn đúng đắn.
Chỉ đáng buồn rằng, lại có lúc, một bộ máy chính quyền lại buộc phải trở thành những người theo thuyết vị lợi, hy sinh một vài người vì lợi ích cộng đồng, trong khi những người có thể phải hy sinh là những người dễ bị tổn thương nhất, những người yếu đuối nhất. Mặc dù khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp nhưng có lẽ nó cũng là phương châm của phần lớn những quốc gia ngày nay, nhất là đối với những quốc gia phát triển. Vậy mà, hình như sự bình đẳng vẫn mãi giống như một “động cơ vĩnh cửu”, có trong lý thuyết mà không có trên thực tế.
Dù diễn biến dịch vùng Piedmont chưa tồi tệ đến mức họ buộc phải “quyết định ai sẽ sống và ai sẽ chết” nhưng chỉ nội việc đưa ra một biên bản như vậy thôi cũng khiến chúng ta giật mình vì thế giới có thể đen tối tới nhường nào. Tôi nhớ trong cuốn tiểu thuyết khoa học nổi tiếng của Philip K. Dick mang tên Người máy có mơ về cừu điện không?, kể về Trái đất thời điểm hầu như toàn bộ loài người đã di cư hết lên các hành tinh và hệ sao khác để tránh bụi phóng xạ, chỉ một vài kẻ còn ở lại, trong số đó có một anh chàng bị gọi là “não gà”, hay nói cách khác là một dạng khiếm khuyết trí tuệ. Anh bị loài người đẩy ra ngoài rìa và bỏ lại trên cái hành tinh đã tan nát.
Trong tiểu thuyết của Philip K. Dick, con người rất tự hào rằng mình có năng lực thấu cảm (họ dựa vào năng lực thấu cảm để làm nên một bài kiểm tra phân biệt người và máy), thế nhưng, nhìn cái cách mà anh chàng “não gà” đối xử với lũ người máy chân tình như đối xử với những con người đích thực, trong khi những con người đích thực thì rẻ rúng và vứt bỏ anh chàng “não gà”. Và ta bất giác tự hỏi, vậy, con người có được sự thấu cảm để làm gì, khi mà nó không đủ sức giúp ta đối xử với nhau như những con người?
Theo bài đăng trên tờ Telegraph, một vị bác sĩ ở vùng Piedmont đã nói thêm về biên bản hướng dẫn đó: “Ai sống và ai chết sẽ được quyết định bởi tuổi tác và tình trạng sức khỏe của họ. Đó là cách mọi thứ diễn ra trong chiến tranh”.
Vị bác sĩ nói không sai. Nhưng bản thân chiến tranh luôn phi nghĩa và nó, xét cho cùng, luôn là cuộc tranh đoạt tiền bạc và quyền lực, dù cho nó có thể nhân danh những thứ cao đẹp như là sứ mệnh của Thượng đế hay chống khủng bố. Nên tất cả những gì xảy ra trong chiến tranh không nên trở thành mẫu mực. Nhất là khi nghĩ rằng, rõ ràng chúng ta đang sống trong thời bình, vậy mà ta phải kết thúc đời mình như trong một cuộc chiến tranh thì đó quả là điều cay đắng.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nghich-ly-dao-duc-thoi-dich-benh-589268/