Nghịch lý đồng bằng
'Lên thành phố làm công nhân ổn định hơn ở quê trồng lúa', một công nhân giải thích với tôi về lý do lựa chọn việc làm của mình. Bỏ lại ruộng vườn ở quê nhà Hậu Giang sau thiên tai hạn mặn năm 2016, cả gia đình anh lên Bình Dương, sống trong căn phòng trọ mười sáu mét vuông gần khu công nghiệp.
Sự ổn định mà công nhân này nhắc tới không chỉ đơn thuần là cảm giác mà được tính toán rõ ràng qua các con số. Anh tính, lương công nhân của riêng anh khoảng 5 triệu/tháng; mỗi tháng trừ tiền nhà, chi tiêu ăn uống, vợ chồng anh còn để dư được phần lương của vợ. Đó là số tiền vợ chồng anh không thể tích góp được nếu còn ở quê trồng lúa. Giá phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công lao động lên nhanh qua mỗi năm nhưng giá lúa mười năm qua không hề tăng, thậm chí giảm. Trừ đi tiền vật tư, mỗi héc ta lúa, nhà anh chỉ lời khoảng 4-5 triệu đồng sau hơn ba tháng canh tác.
Sự ổn định trong công xưởng càng được chứng minh khi trên đồng ruộng, từ đầu năm đến nay, giá lúa tiếp tục xuống thấp dưới giá thành sản xuất, khiến những nông dân còn trụ lại với cây lúa phải trong cảnh “đứng ngồi không yên”, nóng ruột với những khoản nợ ngày càng dày thêm ở các hiệu buôn vật tư nông nghiệp.
Suốt ba thập kỷ, nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực, đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ xuất khẩu. Những vụ mùa được canh tác chạy theo số lượng mà bỏ quên tính an toàn, dinh dưỡng của hạt gạo.
Những nông dân góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới giờ đây lại không thể sống dựa vào hạt gạo. Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chứng kiến một nghịch lý: là vựa lúa lớn nhất nước, vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, nhưng đội sổ cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
Những thôn ấp tôi đi qua bên dòng sông Hậu, sông Tiền, giờ chỉ còn những ngôi nhà cài cửa, chỉ có bóng dáng của người già, con trẻ. Người trẻ, khỏe đã lên các khu công nghiệp. Cụm từ “lên Bình Dương” xuất hiện nhiều như giải pháp cuối cùng cho vấn đề sinh kế ở nơi đây. Nông dân có đất nhưng phải ly nông và tìm thấy sự an tâm ở đồng lương công nhân mà một quan chức ở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây phải thừa nhận rằng “không đủ sống”.
Đồng bằng sông Cửu Long sắp không còn phù sa và đang tan rã. Sự phì nhiêu, trù phú giờ chỉ còn trong những áng thơ văn xưa. Vùng đất Tây Nam bộ này đang phải gánh chịu hệ lụy nặng nề do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, do những công trình tác động lên dòng Mêkông ở thượng nguồn. Đó là những vấn đề không thể giải quyết ngay được từ đơn phương một quốc gia.
Nhưng thật khó hài lòng, nếu ai đó đổ lỗi giá lúa gạo rớt thê thảm, nông dân long đong với hạt gạo là do “thượng nguồn” hay “biến đổi khí hậu”. Bổn cũ đang tái diễn ở đồng bằng, lúa gạo quá nhiều, không người mua, dẫn đến giá lúa ngày càng sụt giảm, nông dân lại thấp thỏm chờ giải cứu. Lời giải đáp cho câu hỏi làm thế nào để nông dân Cửu Long có thể tìm thấy sự “ổn định” trên mảnh ruộng của mình, có lẽ trước hết nằm ở ngay những chính sách phát triển lúa gạo trong nước.
Thực tế, từ nhiều năm nay, dù Việt Nam là nước xuất gạo lớn trên thế giới nhưng chất lượng hạt gạo Việt lại không được đánh giá cao cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Những giống lúa canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) làm cho sản lượng lúa tăng lên nhưng cũng khiến cho hạt gạo hoàn toàn mất khả năng cạnh tranh về chất lượng. Suốt ba thập kỷ, nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực, đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ xuất khẩu. Những vụ mùa được canh tác chạy theo số lượng mà bỏ quên tính an toàn, dinh dưỡng của hạt gạo.
Trong chuyến đi thực tế đến đồng bằng sông Cửu Long mới đây, nhìn những cánh đồng bỏ hoang, một chuyên gia nông nghiệp đã phải chua chát nói với tôi rằng: “Quá khó để bắt đầu lại”. Ông bi quan không chỉ bởi giờ đây, vùng đất này bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực ngày càng nặng nề, mà còn bởi, những bất cập trong các chính sách lúa gạo ở đây vẫn cứ treo lơ lửng. Ông nói, cần một hành động nhanh và quyết liệt hơn là những nghị quyết trên giấy hay hội thảo, họp bàn.
Trong lúc này, nghịch lý vẫn tiếp tục diễn ra, cánh đồng lúa trổ bông bên dòng Cửu Long đang thấp thỏm không người mua; ở đường biên giới, lúa gạo lậu từ Campuchia vẫn được vận chuyển sang, đáp ứng cho thị trường trong nước chuộng nguồn gạo sạch, dẻo, thơm. Anh công nhân tôi gặp càng hài lòng với quyết định bỏ ruộng lên thành phố của mình khi nghe tin lúa năm nay rớt giá.
“May mà đi Bình Dương sớm, không thì giờ nợ nần ngập đầu”, anh nói, sau một ngày dài tăng ca.
Bảo Uyên
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291572/nghich-ly-dong-bang-.html