Nghịch lý giáo dục và việc làm tại Ấn Độ
Ấn Độ đang sở hữu dân số trẻ với nguồn nhân lực lao động dồi dào.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, nhất là cử nhân đại học, đang tăng cao.
Kể từ khi Ấn Độ giành độc lập, người dân nước này luôn động viên nhau rằng “giáo dục là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp”. Nhưng ở Ấn Độ ngày nay, hàng triệu thanh niên có học thức bắt đầu ngờ vực lời khuyên này bởi tỷ lệ thất nghiệp ở sinh viên tốt nghiệp có xu hướng tăng cao.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Khảo sát mẫu quốc gia (NSSO) và Khảo sát Lực lượng Lao động định kỳ (PLFS) do Bộ Thống kê Ấn Độ công bố hồi tháng 12, thị trường lao động Ấn Độ có nhiều điểm đáng chú ý.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong toàn bộ lực lượng lao động từ 18 đến 65 tuổi gần đây giảm, thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp lại tăng cao hơn. Đầu những năm 1990, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp dao động quanh mức 9%, sau đó giảm xuống còn 7,66% trong năm 2011 – 2012. Đến nay, con số này là 13%.
Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ từ 18 đến 29 tuổi có trình độ sau đại học cũng đạt mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục là 36% vào năm 2017 – 2018 và giảm xuống còn 27% vào năm 2022 – 2023.
Đơn cử, năm 2018, Sở Cảnh sát bang Uttar Pradesh đã đăng tin tuyển dụng 62 vị trí giao hàng, yêu cầu tốt nghiệp THPT. Nhiệm vụ của họ là vận chuyển tài liệu giữa các đồn cảnh sát thuộc phạm vi quản lý của sở cảnh sát.
Sau một thời gian đăng bài, có tới 93 nghìn người nộp hồ sơ. Trong đó, 50 nghìn ứng viên là sinh viên tốt nghiệp, trong đó nhiều kỹ sư công nghệ. 28 nghìn ứng viên có trình độ thạc sĩ, bao gồm thạc sĩ quản trị kinh doanh, và 3.700 ứng viên có trình độ tiến sĩ.
Cùng năm, Ban Tuyển dụng Đường sắt thông báo tuyển dụng 63 nghìn vị trí cấp độ thấp như gác cổng, khuân vác... Kết quả, 19 triệu người nộp hồ sơ, hầu hết là sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học.
Ông Arun Sinha, nhà bình luận về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị Ấn Độ, nhận định Ấn Độ đang nằm trong một nghịch lý là nền kinh tế đang phát triển nhưng việc làm lại bị thu hẹp. Tại phương Tây, khi nền kinh tế tăng trưởng, lao động chuyển vĩnh viễn từ nông nghiệp sang sản xuất nhưng ở Ấn Độ thì ngược lại.
Theo ông Arun, trong giai đoạn 2016 - 2021, số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng lên, trong đó bao gồm những người trình độ học vấn thấp lẫn những người có học vấn nhưng không tìm được việc làm hoặc bị khu vực sản xuất sa thải.
Dân số trẻ của Ấn Độ được cho là một lợi thế so với nhiều quốc gia già hóa dân số nhưng họ lại không tìm được việc làm, phải làm những công việc không đúng năng lực. Điều này có thể biến lợi ích thành gánh nặng.
Trước tình hình trên, Thủ hiến bang Karrnataka, ông Siddaramaiah, đã tung ra gói hỗ trợ thất nghiệp cho cử nhân đại học. Cụ thể, sinh viên vừa tốt nghiệp được hỗ trợ tài chính 3.000 INR còn người có bằng tốt nghiệp đại học được trợ cấp 1.500 INR. Khoản trợ cấp kéo dài 2 năm hoặc cho đến khi người thụ hưởng tìm được việc làm.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động đã tăng từ 5% vào năm 1993 - 1994 lên khoảng 15% vào năm 2022 - 2023. Điều này cho thấy khi ngày càng nhiều thanh niên có trình độ học vấn gia nhập thị trường lao động thì tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung sẽ tăng lên.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/nghich-ly-giao-duc-va-viec-lam-tai-an-do/204647.htm