Nghịch lý ở eo biển Hormuz

Sau khi các vụ tấn công tàu chở dầu gia tăng ở khu vực gần eo biển Hormuz, các cường quốc dầu mỏ ở khu vực Trung Đông đã nhận thấy không thể dựa mãi vào tuyến vận tải biển huyết mạch-nơi hơn 1/3 thương mại dầu và 18% xuất khẩu khí đốt tự nhiên của thế giới đi qua…

Nỗi ám ảnh quá khứ

Cho dù nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran trong bối cảnh hiện nay là chưa rõ ràng, nhưng việc hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công gần đây và các vụ tương tự trước đó, cũng đủ để người ta liên tưởng tới nỗi ám ảnh từ quá khứ trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Giai đoạn đó, các tàu đi qua eo biển Hormuz thường phải đối mặt với mối đe dọa bị tấn công và Iraq được cho là bên ra tay trước nhằm vào các tàu Iran. Thậm chí, Iraq còn thực hiện vụ tấn công năm 1984 vào đảo Kharg, nơi có cảng dầu quan trọng của Nhà nước Hồi giáo. Sau vụ tấn công này, Iran cũng bắt đầu có các cuộc tấn công đáp trả nhằm vào hoạt động vận tải biển ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, hải quân Mỹ và Iran đã có đụng độ ở vùng biển nhạy cảm gần eo biển Hormuz. Sự việc xảy ra khi tàu hải quân Mỹ hộ tống một tàu chở dầu treo cờ Kuwait đi qua vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz sau khi Iran được cho là thả thủy lôi gây hại cho tàu thuyền ở khu vực. Đỉnh điểm là hai bên có trận “hải chiến” kéo dài một ngày, dẫn tới thảm kịch Mỹ bắn nhầm một máy bay chở khách của Iran, khiến hơn 290 người thiệt mạng. Trong sự cố này, tàu USS Vincennes của Mỹ truy đuổi tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và đã bắn nhầm mục tiêu là chiếc máy bay của hãng hàng không Iran Air thay vì một chiếc F-14. Theo ước tính của phía Mỹ, Iran đã tấn công hơn 160 tàu trong cuộc xung đột vẫn được biết tới là “cuộc chiến tàu chở dầu” này.

 Khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: Getty Images.

Khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: Getty Images.

Những diễn biến hiện nay liên quan tới các động thái quân sự của Mỹ ở vùng gần eo biển Hormuz, cùng các động thái gây sức ép tối đa lên Tehran của Washington, đang gây lo ngại có thể dẫn tới những động thái đáp trả từ Iran nếu cả hai không kiềm chế. Và mối lo ngại lớn nhất đó là Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz như từng nhiều lần đe dọa.

Eo biển Hormuz được coi là con đường duy nhất để chở hàng hóa, quan trọng nhất là dầu mỏ từ “rốn dầu” Trung Đông ra phần còn lại của thế giới. Nhưng nghịch lý ở chỗ đây cũng là một trong những khu vực bị quân sự hóa nhiều nhất thế giới. Bằng chứng là nơi đây từng chứng kiến bao lần Mỹ điều lực lượng hùng hậu phục vụ chiến tranh tới nhằm mục đích răn đe, cùng các cuộc tập trận phô trương sức mạnh của quân đội Iran cũng như những lời đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz của Tehran…

Mới đây nhất, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri tuyên bố: “Về những sự việc gần đây trên vịnh Ba Tư, nếu Iran muốn ngăn tuyến vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz, chúng tôi có đủ tiềm lực quân sự để công khai phong tỏa hoàn toàn khu vực này”. Iran được cho là có lợi thế về bố trí lực lượng ở vùng eo biển này. Iran sở hữu 6 hòn đảo chiến lược nằm chặn lối thông từ vịnh Ba Tư tới biển Oman. Những hòn đảo này tạo thành hình một vòng cung có thể là tuyến phòng thủ lợi hại của Iran chống lại các cuộc xâm lược từ bên ngoài.

Vì vậy, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Arab Saudi đã đề xuất xây dựng thêm các tuyến đường ống dẫn dầu để tránh phụ thuộc vào tuyến đường biển ngày càng trở nên nguy hiểm và đầy rủi ro qua eo biển Hormuz. Các cuộc tấn công tàu chở dầu từ những kẻ tấn công “giấu mặt” mỗi khi quan hệ Mỹ và Iran leo thang căng thẳng chưa thể biết sẽ kéo theo những hệ lụy như thế nào nếu không được ngăn chặn.

Cứu cánh… Fujairah?

Trong trường hợp vùng biển qua eo biển Hormuz bị đe dọa an ninh và xảy ra đụng độ, các tuyến đường ống dẫn tới cảng Fujairah sẽ được xem là cứu cánh duy nhất để dầu từ vùng Vịnh được vận chuyển ra thế giới. Cảng nước sâu này được xem là cửa ngõ xuất khẩu dầu của UAE, nằm ngay bên ngoài eo biển Hormuz.

Dự án trị giá 3 tỷ USD của UAE xây dựng đường ống dẫn dầu thẳng từ các giếng dầu của nước này tới cảng Fujairah, nhưng chỉ đạt công suất quá nhỏ với 1,8 triệu thùng dầu/ngày, nên chưa thể thay thế được tuyến đường vận tải huyết mạch qua eo biển Hormuz với 19 triệu thùng dầu/ngày. Mặc dù đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, công suất khiêm tốn của những đường ống này khiến các chủ đầu tư tham vọng sẽ mở rộng thêm những đường ống dẫn tới các giếng dầu khác ở vùng Vịnh. Từ đó đưa Fujairah thành cửa ngõ vận chuyển dầu từ Trung Đông ra thế giới một cách ổn định mà không bị tác động nhiều bởi những bất ổn ở khu vực, cũng như những căng thẳng giữa Mỹ và Iran xảy ra thường xuyên.

Mặc dù giới phân tích vẫn thiên về dự báo khó có khả năng xảy ra trường hợp Iran phong tỏa eo biển Hormuz vì đây cũng chính là cửa ngõ xuất khẩu dầu chiến lược của nước này. Nhưng cũng chưa thể biết điều gì xảy ra nếu Mỹ và đồng minh ở khu vực quyết dồn Iran tới chân tường với cáo buộc Iran là “thủ phạm” tấn công các tàu chở dầu như hiện nay.

Điều nguy hiểm là hầu như không có một kênh liên lạc hay kế hoạch nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay giữa hai nước. Trong khi đó, việc Mỹ tuyên bố về một sự đáp trả “không thể chấp nhận được trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ” mang một hàm ý đầy nguy hiểm.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nghich-ly-o-eo-bien-hormuz-576946