Nghịch lý tại Hoàng Anh Gia Lai
Liên tục đưa ra viễn cảnh tươi sáng về hoạt động kinh doanh 'heo ăn chuối' nhưng HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại vừa phải thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần chuỗi bán thịt heo Bapi.
Cụ thể, công ty thông qua việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP BAPI Hoàng Anh Gia Lai (BAPI HAGL). Theo đó, HAGL sẽ bán toàn bộ 2,75 triệu cổ phiếu BAPI HAGL, mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cp. Nếu giao dịch thành công, BAPI HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.
BAPI HAGL được thành lập từ tháng 5/2022 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và đang là chuỗi phân phối sản phẩm thịt heo ăn chuối Bapi.
Thời gian gần đây, HAGL liên tục có động thái thanh lý tài sản để trả nợ. Trước đó, trong tháng 12/2023, CTCP Chăn nuôi Gia Lai, một công ty khác của HAGL đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trung hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.
Cũng liên quan đến vấn đề trả nợ của HAGL, công ty vừa phải công bố nghị quyết bán cả khách sạn và bệnh viện để lấy tiền trả nợ.
Cụ thể, HAGL đã chuyển nhượng 9,9 triệu cổ phiếu mà đơn vị đang sở hữu tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai. Lượng cổ phần này tương ứng với tỷ lệ sở hữu 99% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai. Theo như thông báo trước đó, số tiền này sẽ được công ty sử dụng để trả nợ gốc và lãi các lô trái phiếu đến hạn từng được phát hành từ năm 2016.
Trước đó, HAGL cũng từng phải bán lại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có địa chỉ tại Số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và thu về khoảng 180 tỷ đồng. Số tiền này cũng đã được dùng với mục đích trả nợ.
Đáng nói, trong 2 năm trở lại đây, HAGL liên tục báo lãi với số lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Thế nhưng một điều lạ là công ty vẫn liên tục phải bán bớt tài sản để lấy tiền trả các khoản nợ tới hạn. Lần báo lỗ cuối cùng mà HAGL ghi nhận là từ quý I/2021 với khoản lỗ sau thuế khoảng 68,8 tỷ đồng.
Gần đây nhất, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với 130 triệu cổ phiếu HAG cũng được thực hiện với mục đích lấy nguồn vốn trả nợ.
Về kết quả kinh doanh, tại quý III/2023, HAGL đạt doanh thu 1.889,4 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 324,6 tỷ đồng, tăng 12,2%. Một phần lợi nhuận gia tăng đột biến được ghi nhận đến từ việc thanh lý tài sản cố định, đóng góp 144,1 tỷ đồng cho kết quả kinh doanh quý III của công ty.
Bước sang tháng 10/2023, doanh thu của HAGL cũng ghi nhận 711 tỷ đồng, tăng 52,3% so với cùng kỳ. Trong đó mảng cây ăn trái đóng góp 57,7% tương ứng 410 tỷ đồng, mảng chăn nuôi đóng góp 27,8% tương ứng 198 tỷ đồng, ngành phụ trợ là 103 tỷ đồng. Tại tháng 10, công ty tiếp tục không công bố lợi nhuận như từng làm trong các báo cáo tháng trước đây.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, HAGL còn liên tục tung ra những thông tin mới liên quan đến kế hoạch tăng vốn cũng như cách giải quyết bài toán triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Động thái này ít nhiều tạo kỳ vọng cho giới đầu tư, tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu, đẩy cổ phiếu vượt mốc 10.000 đồng/cp sau hơn một năm giao dịch ở mức trà đá. Chốt phiên 3/1, cổ phiếu HAG dừng ở mức 13.700 đồng/cp.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, trong lịch sử hoạt động, HAGL liên tục tạo ra các “câu chuyện kỳ vọng” cho nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu biến động thất thường, tăng nhanh rồi lao dốc.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/nghich-ly-tai-hoang-anh-gia-lai-1097662.html