Nghịch lý tăng dễ, giảm khó

Giá hàng hóa lên - xuống, tăng - giảm là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Vì thế, việc giá nhiều loại hàng hóa ở Việt Nam tăng theo giá xăng dầu nhưng lại 'đứng yên' hay giảm 'nhỏ giọt' khi giá xăng dầu giảm liên tục là điều không bình thường.

Giá các mặt hàng tăng lên rồi, ít khi giảm xuống

Giá các mặt hàng tăng lên rồi, ít khi giảm xuống

Ở Việt Nam, sau những đợt tăng, giá các loại hàng hóa thường thiết lập mặt bằng giá mới và rất ít khi điều chỉnh giảm. Trong khi đó, tốc độ tăng thu nhập của đa phần người dân, người lao động không theo kịp mức độ tăng giá hàng hóa. Điều đó đồng nghĩa một bộ phận rất lớn người có thu nhập thấp dễ bị tổn thương sau những lần hàng hóa biến động.

Sau 5 đợt điều chỉnh, giá xăng RON95 đã giảm hơn 8.200 đồng/lít, tương ứng 25% so với đợt đỉnh cuối tháng 6 và hiện giá bán đã tương đương đầu tháng 1-2022; giá xăng E5 RON92 giảm 7.580 đồng, tương ứng mức giảm 24%... Tuy nhiên, có điều nghịch lý là, giá hầu hết các mặt hàng trước đây “mượn cớ” phải điều chỉnh do giá xăng dầu tăng, thì nay vẫn chưa điều chỉnh gì đáng kể, thậm chí có những hàng hóa giá vẫn cứ “neo”. Khi giá xăng dầu 3 lần liên tiếp giảm nhưng giá hàng hóa vẫn ở mức cao, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền của mình theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, thêm 2 lần giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn chưa đồng loạt giảm theo.

Theo các chuyên gia, để giá hàng hóa có tăng, có giảm, tuân theo quy luật thị trường và chịu sự điều tiết của Nhà nước thì cần phải tập trung tháo gỡ, giải quyết một số “điểm nghẽn”, đó là nhóm hàng hóa Nhà nước can thiệp và tổ chức, điều tiết. Trong đó, với những mặt hàng phải kê khai, niêm yết giá như: xi măng, thép xây dựng; thức ăn chăn nuôi; dịch vụ vận chuyển hành khách…, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt trong rất nhiều lần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Song, thực tế, việc rà soát, yêu cầu giảm giá, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm thế nào thường hiếm khi xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng.

Rất khó để “bắt” chủ quán cà phê, quán phở, nhà hàng phải giảm giá bán sản phẩm của họ nếu chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn cao. Do vậy, bên cạnh việc tổ chức nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, thì phải xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ để giảm bớt chi phí trung gian. Vấn đề này được đặt ra từ lâu và ở đây, có trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT. Theo chuyên gia về giá cả Vũ Vinh Phú, ở các nước, họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Ví dụ, 1kg đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác.

Giá thanh long có thời gian chỉ 500-1.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá 10.000-15.000 đồng/kg; giá heo hơi ở miền Bắc hiện khoảng 60.000-70.000 đồng/kg nhưng giá heo thịt tại chợ, siêu thị vẫn gấp khoảng 1,5-3 lần… Chuyện rau, củ, quả, trái cây, heo, gà, thủy, hải sản… rớt giá thê thảm nhưng khi đến tay người tiêu dùng cao gấp vài lần không phải là chuyện lạ nhiều năm nay. Một đất nước nông nghiệp nhưng người dân vẫn phải mua nông sản, thực phẩm giá cao, có lẽ là điều chưa hợp lý. Rõ ràng, để giá cả từ khâu sản xuất qua khâu trung gian bị đẩy lên quá cao khi đến tay người tiêu dùng đòi hỏi cần phải tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý, vốn đang làm thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng.

HÀ MY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nghich-ly-tang-de-giam-kho-834181.html