Nghịch lý thị trường nông sản tết

Thời điểm cận tết, thời tiết thuận lợi nên hầu hết các loại nông sản như rau xanh, trái cây rất phong phú, dồi dào. Đây cũng là dịp để nông dân bung ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tết của người dân. Tuy nhiên, năm nay do trúng vào đợt cao điểm dịch Covid-19 nên giá cả một số mặt hàng nông sản không xuất bán được, dẫn đến thua lỗ…

Nghịch lý thị trường nông sản tế

1. Dạo một vòng thị trường những ngày giáp tết, thật không khó để nhận ra sự đa dạng, tươi xanh của các loại rau, củ tươi. Từ súp lơ, rau cải, su hào, hành tím từ ngoài miền Bắc được chuyển vào miền Nam tiêu thụ rất nhiều. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng này khá “mềm”, giảm nhiều so với trước đó vài tháng. Đơn cử như mặt hàng hành tím, hành Bắc chỉ ở khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, chanh tươi 15.000 đồng/kg. Đối với trái dưa hấu, chỉ cách đây chưa tới 1 tháng, giá bán còn ở mức trên 10.000 đồng/kg, nhưng hiện giá bán “giải cứu” chỉ 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân được tiểu thương lý giải, lượng trái này xuất đi các tỉnh phía Bắc, nhưng do dịch Covid-19 nên không bán được. Với mặt bằng giá cả này, người tiêu dùng rất dễ dàng mua được các loại thực phẩm tươi xanh, trái cây giàu dinh dưỡng để ăn uống, chăm sóc sức khỏe trong dịp tếtnguyên đán.

Phân loại thanh long

2. Tại xứ sở thanh long Bình Thuận, hầu hết các hộ dân đều chong đèn lứa tết, dự kiến xuất bán từ thời điểm 15 - 20 tháng chạp. Tuy nhiên, năm nay mọi dự tính của bà con đều trở thành nghịch cảnh, vì thanh long thời điểm trước tết gần 1 tháng không ai mua, hoặc chỉ bán từ 1.500- 5.000 đồng/kg, dẫn đến thua lỗ. Thế nhưng, sau thời gian “neo trái” vì giá rẻ, các hộ dân không chờ được nữa, buộc phải bán đổ bán tháo để gỡ vốn, chấp nhận một cái tết… nghèo. Nhưng nghịch lý lại xảy ra, thời điểm cách tếtnguyên đán 1 tuần, sau khi bà con đã bán lứa thanh long chín rộ được vài ngày, giá thanh long lại đột ngột tăng lên 11.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng không có hàng bán… Rõ ràng, đây là hệ lụy của việc mua bán biên mậu, không có liên kết, và nông dân hoàn toàn bị “nắm đằng chuôi”, không làm chủ được thị trường.

Một nghịch lý khác, trong khi các sản phẩm nông sản trong tỉnh đang rất dồi dào, nhưng tâm lý muốn mua hàng nhập, hàng lạ của không ít người tiêu dùng cũng tạo nên một sự bó hẹp về thị trường nội địa. Điển hình là mặt hàng thanh long, dù có hình thức đẹp, bổ dưỡng nhưng nhiều người dân địa phương vẫn rất ít mua thanh long ăn hay đơm cúng trong các ngày tết. Trong khi đó, mặt hàng này khi vận chuyển đến các tỉnh miền Bắc, sẽ có giá từ 30.000 đồng/kg, rất được ưa chuộng.

3. Ở thời điểm cận tết này, giá mặt hàng nông sản “sốt” nhất có lẽ là thịt heo. Kể từ khi xảy ra dịch bệnh heo tai xanh vài năm trước, khiến một lượng lớn heo hơi bị thiếu hụt, dẫn đến giá cao. Từ đó đến nay, mặt hàng này không những không hạ giá mà ngược lại luôn ở mức giá cao, dao động từ 140.000 - 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, nhu cầu chế biến các loại thực phẩm từ thịt heo phục vụ liên hoan, cúng trong gia đình rất nhiều nên đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

Theo một số tiểu thương tại chợ Phú Thủy (Phan Thiết), những ngày này các bà nội trợ muốn mua thịt heo ngon, phù hợp với các món chế biến như chả lụa, tai heo ngâm mắm, măng kho trong ngày tết, đều phải đến thật sớm hoặc đặt hàng trước. Mặc dù giá thịt heo tăng cao hơn thường lệ, nhưng vẫn cháy hàng… Các tiểu thương cũng chia sẻ thêm, hiện tại các mặt hàng heo đông lạnh được nhập khẩu về có giá mềm hơn, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm heo tươi được giết mổ trong ngày. Trong khi đó, nguồn heo hơi trong dân hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Bởi kể từ sau khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, việc tái đàn thật sự rất khó khăn về giống, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn luôn thường trực, khiến nông dân không mạnh dạn đầu tư…

Những nghịch lý thị trường nông sản dịp tết này, đang đặt ra một thử thách, nhìn nhận và tính toán khả quan hơn của những người trong cuộc…

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nghich-ly-thi-truong-nong-san-tet-134993.html