Nghịch lý V.League: Không tiền thì bỏ giải, có nhà tài trợ dính độc quyền
Trong nhiều năm qua, sân chơi V.League luôn tồn tại chuyện các đội bóng hết tiền bỏ giải, ví dụ Quảng Ninh FC giải thể.
Không có nhà tài trợ là chết
Năm ngoái, CLB Quảng Ninh không tham dự V.League 2022. Lý do hết tiền, không có nhà tài trợ nào cứu. Nghịch lý là đội bóng đất Mỏ rơi vào cảnh nợ nần vài mùa giải nhưng vẫn chơi theo kiểu cầm cự, đá tới đâu thì hay tới đó dù cầu thủ lên mạng xã hội kêu cứu. Kết quả Quảng Ninh nghỉ chơi trong bối cảnh các cầu thủ bị nợ tiền và coi như mất trắng.
Trước CLB Quảng Ninh, nhiều đội bóng khác của V.League lao đao vì không có nhà tài trợ. CLB Đồng Tháp từng lên V.League 2015 nhưng đứng trước nguy cơ bỏ giải do không có tiền, không có doanh nghiệp tài trợ. Hồi đó, bầu Thắng làm Chủ tịch VPF và gặp gỡ CLB Đồng Tháp để giải cứu. Bầu Thắng gợi ý giải pháp bằng mô hình có nhiều doanh nghiệp chung tay. Chuyện Đồng Tháp FC thoát chết trong gang tấc có thể nói nhờ công lớn từ bầu Thắng - một người hết lòng vì bóng đá Việt Nam.
Gần nhất, CLB Sài Gòn gây ồn ào vì liên quan đến câu chuyện kinh phí ở cuối mùa. CLB Sài Gòn đua trụ hạng trong cảnh chẳng giống ai. Các cầu thủ và HLV đá trận cầu sinh tử trong bối cảnh sớm nhận giấy thanh lý hợp đồng, chấm dứt trả lương. Bây giờ không ai rõ số phận CLB Sài Gòn ra sao, dù cầu thủ đã chia tay trong ngày xuống hạng.
Trong bối cảnh V.League không thể chia nhiều tiền về bản quyền truyền hình, tất cả đội bóng đều phụ thuộc vào nhà tài trợ. Đội bóng nào không có kinh phí, tức không có nhà tài trợ hoặc được doanh nghiệp chống lưng thì nghỉ chơi.
Tại sao HAGL không được quảng cáo?
Nhìn từ bối cảnh kể trên của bóng đá Việt Nam, HAGL không được quảng cáo với lý do theo điều lệ, có thể khẳng định chưa hợp lý!
Nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì tình trạng các đội bóng chơi vài năm rồi nghỉ phải được chấm dứt. V.League cần tạo ra tính bền vững, ít nhất là khả năng tồn tại của các CLB được đảm bảo chứ không phải đá rồi bỏ. Câu chuyện đó liên quan đến tiền, vì không có tiền thì CLB giải thể.
Bản quyền truyền hình chưa thể chia tiền để các CLB sống khỏe. Các khán đài vắng khán giả. Tiền bán áo đấu, đồ lưu niệm chỉ mang tính tượng trưng. Có thể thấy các đội bóng ở V.League chỉ có thể sống dựa vào tiền nhà tài trợ và tiền của doanh nghiệp làm chủ đội bóng. Điều đó có nghĩa là VPF và các CLB phải bàn kỹ vấn đề liên quan đến nhà tài trợ, đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng kiếm tiền.
“Nhà tài trợ chính của giải được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải”, VPF có công văn gửi CLB HAGL vào ngày 18/1.
VPF đề nghị CLB HAGL không được đặt biển quảng cáo nhà tài trợ mới (nước tăng lực Carabao) trên sân, logo trên áo đấu, hoạt động bên lề tại ngày tập và thi đấu ở sân Pleiku (sân nhà của HAGL).
Hôm qua, VPF kết luận chuyện liên quan CLB HAGL và nhà tài trợ: “VPF đề nghị HAGL vẫn triển khai tuân thủ theo Công văn số 16/VPF-TrT ngày 18/1”.
CLB HAGL phúc đáp VPF vào tối ngày 30/1: “Nếu thực hiện theo nội dung công văn này thì HAGL sẽ vi phạm hợp đồng đã ký kết với đối tác dẫn đến việc phải đền bù thiệt hại cho nhà tài trợ.
Bằng công văn này, chúng tôi xin thông báo HAGL có nhiều khả năng sẽ không tham dự mùa giải V.League 2023 do không đủ tài chính duy trì hoạt động, vì CLB phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu của nhà tài trợ, đồng thời để Ban tổ chức giải chủ động sắp xếp lại Lịch thi đấu mùa giải 2023…”.
Câu chuyện của VPF và HAGL không phải ai thắng - ai thua, mà những người làm bóng đá phải xem xét liệu có phù hợp và đúng với thực trạng của sân chơi V.League - nơi nhiều đội bóng chết vì không có nhà tài trợ. Và các CLB cần phải xem lại việc đồng ý với những lần thông qua điều lệ giải, không thể "gật" để rồi tự làm khó nhau.