Nghịch lý 'Zero Covid-19' của Trung Quốc

Những người cao tuổi ở Trung Quốc đang chần chừ tiêm chủng ngay cả khi Omicron lan rộng, trong lúc giới quan sát cho rằng chính sách Zero Covid-19 của nước này là không bền vững.

Khi các khu vực lân cận bị phong tỏa, bà Liu Li, 42 tuổi, bắt đầu mua hàng tích trữ như rau, trái cây, thuốc men... cho gia đình của mình. Vào ngày 13/3, một cư dân nơi bà Liu sống ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã có kết quả xét nghiệm dương tính. Từ đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà.

Cho đến nay, cuộc sống của bà vẫn ổn trong đợt phong tỏa mới. “Tôi vẫn sống một cuộc sống bình thường”, bà nói.

Bà Liu may mắn hơn nhiều người do bà làm việc tại nhà và đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mẹ của bà là một bệnh nhân ung thư và chưa được tiêm chủng.

Hiện họ nằm trong số 37 triệu người đang bị phong tỏa ở Trung Quốc, giữa lúc các nhà chức trách chiến đấu với đợt bùng phát dịch lớn nhất của đất nước.

Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát trước đó, thông qua nhiều phản ứng quyết liệt như xét nghiệm hàng loạt, ngừng hoạt động vận tải và phong tỏa cục bộ. Nhưng lần này, Omicron, biến chủng đang càn quét khắp thế giới, đã thách thức các chiến lược cũ.

Nhiều người cao tuổi chưa tiêm chủng

Hôm 18/3, Trung Quốc báo cáo 4.130 ca mắc trên hơn 20 tỉnh, trong đó có 2.626 ca ở tỉnh Cát Lâm. Cơ quan y tế Trung Quốc ngày 19/3 ghi nhận hai người qua đời do mắc Covid-19. Đây là những trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo kể từ tháng 1/2021.

Nhiều chuyên gia tại Đại học Lan Châu đã dự đoán sẽ có 35.000 ca nhiễm nếu đợt bùng dịch không được ngăn chặn vào đầu tháng 4.

Theo một phân tích về dữ liệu dân số và vaccine, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết 95% số ca mắc có tình trạng nhẹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khoảng 17 triệu người trên 80 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều người trong số đó cho biết họ đang làm theo lời khuyên của bác sĩ.

 Nhiều người già ở Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan vẫn chưa tiêm chủng. Ảnh: AP.

Nhiều người già ở Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan vẫn chưa tiêm chủng. Ảnh: AP.

“Bởi vì mẹ tôi là một bệnh nhân ung thư và đã trải qua hai cuộc phẫu thuật, bà không nên tiêm chủng. Bác sĩ cho rằng điều đó nên được quyết định dựa trên thể trạng và môi trường sống của chúng tôi”, bà Liu nói.

“Mẹ tôi mắc rất nhiều hội chứng nên không thể tiêm chủng được. Chúng tôi đã đến bệnh viện ba lần và họ không tiêm vaccine cho bà ấy. Vì vậy chúng tôi đã bỏ cuộc”, một người dùng mạng xã hội Weibo cho biết.

Lo sợ về các phản ứng có hại là một lý do phổ biến ở những người cao tuổi không được tiêm chủng. “Bố và mẹ chồng tôi bị cao huyết áp nên họ không dám đi tiêm”, một tài khoản khác trên Weibo cho biết.

Thay vào đó, bà Liu đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ mẹ mình. Trước đợt phong tỏa gần nhất, bà không ra ngoài nhiều. Mỗi khi đi ra ngoài, bà đều tránh đám đông và đeo khẩu trang.

Giáo sư Chi Chun-huei, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Oregon, gọi sự chần chừ tiêm chủng là “nghịch lý của chính sách Zero Covid-19”.

Ông cho biết khi người dân Trung Quốc cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc tiêm vaccine, họ nhận thấy lợi ích gần như bằng 0, trong khi rủi ro về tác dụng phụ và biến chứng là tương đối cao.

Vẫn theo đuổi "Zero Covid-19"

Một số cư dân đã cho thấy dấu hiệu mệt mỏi khi cuộc sống bị gián đoạn do chính sách "Zero Covid-19". Bên cạnh đó, chính phủ vẫn cam kết theo đuổi chính sách “Zero Covid-19 năng động”, nhưng có dấu hiệu lo ngại rằng cái giá đang trở nên cao đến mức "không thể chấp nhận được".

Tuần trước, Goldman Sachs ước tính rằng đợt phong tỏa kéo dài một tháng của 30% dân Trung Quốc có thể khiến GDP nước này giảm 1%.

Tại cuộc họp kín, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dường như thừa nhận nhiều điểm bất lợi của chính sách này, khi ông yêu cầu Trung Quốc nỗ lực “phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh với chi phí thấp nhất, đồng thời giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế, xã hội”.

 Theo chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ bám trụ Zero Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

Theo chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ bám trụ Zero Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc đã nhận ra đợt bùng phát này là khác biệt, trong đó có việc phê duyệt sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà.

Đất nước này cũng tuyên bố chấm dứt việc yêu cầu nhập viện bắt buộc đối với tất cả bệnh nhân Covid-19, đồng thời đưa ca mắc thể nhẹ hoặc không triệu chứng tới các cơ sở cách ly tập trung.

Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nhà cung cấp Foxconn của Apple nằm trong số các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại chỉ vài ngày sau đợt phong tỏa toàn thành phố.

Tuy nhiên, giáo sư Chi cho biết Trung Quốc khó có thể từ bỏ “Zero Covid-19 năng động” sớm. Hàng chục quan chức địa phương đã bị cách chức hoặc kỷ luật vì để dịch bệnh bùng phát. Với Trung Quốc, việc kiểm soát số ca nhiễm Covid-19 là rất quan trọng, giáo sư Chi cho biết.

Đợt bùng phát dịch đã đưa Trung Quốc vào "ngã ba đường". Nếu biện pháp ngăn chặn không cho thấy hiệu quả, 1,4 tỷ dân nước này sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn.

Giáo sư Antoine Flahault, thuộc Đại học Geneva, cho biết Omicron khiến “Zero Covid-19 năng động” không còn là một lựa chọn hiệu quả hoặc bền vững. Ông chỉ ra rằng tác động kinh tế của việc phong tỏa ngày càng không tương xứng với tình trạng bệnh nhẹ mà Omicron gây ra.

Tuy hy vọng Trung Quốc sẽ ngăn chặn đợt bùng phát, giáo sư Chi cho rằng việc để dịch bệnh lây lan trong một môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể không phải là điều tồi tệ. Theo ông, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ hơn so với vaccine.

Hiện tại, bà Liu cảm thấy thoải mái với đợt phong tỏa này. Bà tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát được đợt bùng phát, thông qua các biện pháp chống dịch hiện tại, khả năng miễn dịch cao hơn cũng như những phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

“Tôi không lo lắng, ngược lại tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn”, bà nói.

Vân Đinh

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-zero-covid-19-cua-trung-quoc-post1303811.html