Nghiêm cấm hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với người chấp hành hình phạt tù
Việc quy định rõ ràng về chế độ quản lý giam giữ, chế độ sinh hoạt của người đang chấp hành án phạt tù giúp xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự, tránh tình trạng lạm quyền, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm dẫn đến nguy cơ phát sinh hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với người chấp hành hình phạt tù.
Về chế độ đối với phạm nhân
Về chế độ giam giữ, Luật thi hành án hình sự quy định cụ thể về việc tổ chức giam giữ phạm nhân như sau: Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm; Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án; (khoản 1 Điều 30).
Trước đây, tại khoản 2 Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định có 6 đối tượng được giam giữ riêng, gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam. Hiện nay, Luật mới đã bổ sung thêm 2 đối tượng là phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam được giam giữ riêng và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam, giữ riêng.
Điều 33 của Luật quy định: Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, ngành, nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để phê duyệt (khoản 1). Thời gian phạm nhân lao động và học tập, học nghề không quá 8 giờ trong 1 ngày, 5 ngày trong một tuần, được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 32).
Khoản 4 Điều 32 bổ sung quy định: Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.
Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ: mỗi phân trại của trại giam được thành lập thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh, mỗi buồng giam tập thể được trang bị một máy vô tuyến truyền hình màu....
Chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc: phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 1 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 3 giờ. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ....
Trước đây, theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án hình sự năm 2010 phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Thì hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 2 lần trong 1 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 52 cũng quy định đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài: phạm nhân là người nước ngoài được quản lý giam giữ riêng trong trại giam. Các chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài được thực hiện như quy định đối với phạm nhân là người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Về các chế độ khác: phạm nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1, Điều 176). Người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (điểm d, khoản 1, Điều 180).
Việc quy định rõ ràng về chế độ quản lý giam giữ, chế độ sinh hoạt của người đang chấp hành án phạt tù như phân tích ở trên giúp xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự, tránh tình trạng lạm quyền, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm dẫn đến nguy cơ phát sinh hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với người chấp hành hình phạt tù.
Về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Trên cơ sở quy định của Điều 66, Bộ luật hình sự năm 2015 (Tha tù trước thời hạn có điều kiện) và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện), Luật bổ sung Mục 3, Chương III, gồm 16 điều, từ Điều 57 đến Điều 72 quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, bao gồm các quy định về: thời điểm; hồ sơ quản lý, cơ quan quản lý, nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ, việc lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nội quy trại giam, cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.