Nghiêm cấm tư vấn bảo hiểm sai lệch
Năm 2024 sẽ tiến hành thanh tra 14 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó thanh tra việc bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng
Ngày 18-3, tiếp tục phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Nhiều vấn đề nóng như người mua bảo hiểm (BH) bị thiệt thòi; thay đổi mức giảm trừ gia cảnh; miễn thị thực cho công dân Việt Nam... được nhiều đại biểu (ĐB) nêu. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Chỉ tư vấn mặt tốt khiến người mua hiểu lầm
ĐB Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết hiện nay tình trạng nhân viên tư vấn BH chèo kéo, tranh giành khách quá mức làm méo mó thị trường BH, gây hiểu lầm cho khách hàng. Hợp đồng BH thường rất dài, hàng chục trang, cùng những thuật ngữ chuyên ngành khiến người mua hoàn toàn phụ thuộc vào tư vấn. Trong khi đó, nhân viên tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt dẫn đến tình trạng người mua không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. ĐB Gia đề nghị bộ trưởng nêu những giải pháp để giải quyết.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định luật nghiêm cấm việc cán bộ BH tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán BH cho những người chưa có nhận thức cao. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Bộ đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại và xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý". Bộ trưởng cho rằng sau khi sửa đổi, Luật Kinh doanh BH năm 2023 đã dành một chương cho hợp đồng BH để bảo đảm hợp đồng gọn, rõ và chặt chẽ hơn. Luật cũng quy định trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng BH có sai sót, người tham gia BH có quyền yêu cầu nhận lại tiền, công ty BH phải trả lại cho người mua.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) và ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về việc các công ty BH nhân thọ bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Luật Kinh doanh BH đã quy định trước 60 ngày và sau 60 ngày khi thực hiện bán sản phẩm của ngân hàng thì các công ty BH không được mua bán các sản phẩm để tránh trường hợp ép khách hàng mua trong giai đoạn chuẩn bị thẩm định hồ sơ để cho vay hay là sau khi thực hiện giải ngân. Ông khuyến nghị nếu bị ép mua các sản phẩm BH, những người vay ngân hàng báo với cơ quan chức năng xử lý. Bộ Tài chính giao Cục Quản lý BH phối hợp thường xuyên với cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để xử lý việc lợi dụng các tổ chức tín dụng và ngân hàng để bán BH.
Cả nước hiện có 19 công ty BH gồm 2 công ty trong nước và 17 công ty liên doanh và của nước ngoài. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc liên kết bán BH qua ngân hàng, có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng có thể do BH liên kết để hưởng chi phí dịch vụ. Hiện chưa xác định rõ vai trò của lãnh đạo các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết năm 2024 có kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra 14 doanh nghiệp BH, trong đó thanh tra việc bán BH qua các tổ chức tín dụng.
Đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương
Là đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu rõ hiện chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn. ĐB Yên đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ người dân các nước đến Việt Nam, mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch nước ngoài, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh. Quốc hội vừa qua đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Việt Nam hiện miễn thị thực đơn phương với 13 nước, là địa bàn du lịch trọng điểm. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành đàm phán với các nước và miễn thị thực song phương với 15 nước. Bộ cũng đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ. "Chủ trương sắp tới theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ đàm phán và ký kết miễn thị thực song phương, vừa tạo thế cho công dân ra nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho công dân nước ngoài vào Việt Nam" - Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vùng Tàu) nêu về thực trạng nhiều thanh thiếu niên, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thời gian gần đây, có nhiều trường hợp di cư bất hợp pháp ra nước ngoài theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau. Khẩu hiệu chúng đưa ra để dụ dỗ công dân chủ yếu là "việc nhẹ lương cao". Để hạn chế vấn đề này, bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước. Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, ông Sơn đề nghị tuyên truyền mạnh để thanh thiếu niên hiểu rằng "không có việc nhẹ lương cao" và tất cả những lời dụ dỗ toàn theo con đường vi phạm pháp luật.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Sắp tới, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Ngoại giao văn hóa hỗ trợ quảng bá đất nước
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) về kết quả triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới mà ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. "Những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi uống trà với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; hay Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi uống cà phê với Thủ tướng Belarus... là nguồn tư liệu để truyền bá hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hữu nghị, đồng thời giới thiệu những nét đẹp của ẩm thực Việt Nam ra thế giới, với bạn bè quốc tế"- bộ trưởng khẳng định.
Năm 2025 sẽ sửa mức giảm trừ gia cảnh
Về mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1-7-2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức tăng, GTGC bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nhiều cơ quan báo chí cũng đã nêu mức GTGC không phù hợp với điều kiện hiện nay, những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ, thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, muốn thay đổi mức GTGC phải sửa Luật TTNCN. Theo kế hoạch, trong năm 2025, khi bắt đầu sửa TTNCN, Bộ Tài chính mới đưa ra quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC để trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn. "Cần quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức TTNCN để tăng tiêu dùng trong thời gian tới" - ông Ngân nêu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghiem-cam-tu-van-bao-hiem-sai-lech-196240318212312974.htm