Nghiêm khắc để ngăn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật
Theo các chuyên gia, xu hướng trẻ hóa tội phạm không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của bản thân đối tượng phạm tội và gia đình họ, mà còn để lại những hệ lụy lớn đối với đời sống xã hội, đe dọa tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Những 'đứa trẻ hư' thích bạo lực, gây rối cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ để giáo dục nhằm hạn chế tình trạng thanh thiếu niên phạm tội như hiện nay.
Hành động theo cảm tính
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 15 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Đây là các đối tượng mang hung khí tham gia vụ ẩu đả trong đêm 23/8 tại khu vực giao cắt giữa đường tỉnh lộ 427 và tuyến vào xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Theo tài liệu điều tra, do có mâu thuẫn với nhau từ trước giữa 2 nhóm thanh, thiếu niên (chủ yếu từ 16 - 18 tuổi) mang theo vỏ chai bia thủy tinh, tuýp sắt hàn dao quắm, dao, kiếm… rồi hẹn nhau “giải quyết mâu thuẫn”.
Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết, sẽ xử lý nghiêm và tổ chức điều tra chặt chẽ các thanh niên trong độ tuổi mới lớn mà bỏ học, chơi bời lêu lổng để có biện pháp phòng ngừa, răn đe, không để xảy ra tình trạng tương tự.
Thực tế hiện nay, một bộ phận trẻ chưa thành niên thiếu sự quản lý của gia đình, gia đình không quan tâm đến con cái mình làm gì, chơi với ai. Nhiều bậc phụ huynh bận rộn với công việc không có thời gian dành cho con cái, không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con nên bị các đối tượng xấu rủ rê, dụ dỗ vô tình “cuốn theo” xòng xoáy “đen” ngoài xã hội thành những đứa trẻ hư.
Trường hợp của Vũ Đức Đạt (sinh năm 2006, trú tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8/2022, Công an huyện Thanh Oai liên tiếp nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị mất trộm xe máy khi để tại sân chung cư trên địa bàn. Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thanh Oai đã kết hợp với Công an các xã rà soát xác minh, làm rõ hành vi của Đạt. Cầm đầu vụ trộm cắp 11 chiếc xe máy khi chỉ là một thiếu niên mới 16 tuổi, Vũ Đức Đạt còn lôi kéo thêm 4 đối tượng khác đều trạc tuổi mình phạm tội…
16 tuổi đã cầm đầu một nhóm chuyên trộm cắp tài sản là một kết cục tất yếu của đứa trẻ có hoàn cảnh như Vũ Đức Đạt. Đạt có bà nội bị tai biến và bố bị tâm thần, ông nội Đạt đã 61 tuổi trở thành lao động chính, chăm sóc vợ và con trai. Bản thân Đạt cuối năm 2021 đã bị xử phạt hành chính cảnh cáo về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ. Ngay sau đó, Đạt đã kéo thêm đám bạn cùng trang lứa thực hiện hành vi phạm tội khác…
Những thiếu niên là đồng phạm của Đạt trong vụ án trộm cắp xe máy đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự quản lý và đều bỏ học từ sớm. Hiện vụ án chỉ khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với 2/6 đối tượng. Các đối tượng còn lại, một phần vì hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, phần khác do chưa đủ 16 tuổi nên không thể khởi tố.
Cần có chế tài nghiêm khắc hơn
Theo các chuyên gia tâm lý, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình, dẫn đến tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động. Từ đó họ thường dễ bị bạn bè lôi kéo tham gia vào những hành vi tiêu cực. Chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan Công an thì gia đình mới hay con mình đã phạm tội. Bên cạnh đó, một số thanh, thiếu niên có hoàn cảnh gia đình “đặc biệt”, chúng nhìn nhận từ chính phụ huynh của mình và hành động rất bản năng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Việt, Trưởng Công an xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay, khi mời cha mẹ, người giám hộ của những đứa trẻ vi phạm pháp luật lên làm việc, nhiều gia đình “phong cách” của bố mẹ cũng hệt như con với những mái đầu nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, trên người xăm chỗ nọ, trổ chỗ kia, thì đặt ra vấn đề giáo dục con như thế nào? Và từ đó, việc những đứa trẻ a dua theo chúng bạn, mang hung khí lê la trên các tuyến đường cũng là điều dễ xảy ra.
Từ góc độ pháp lí, luật sư Phạm Hải Long - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhìn nhận, có những đứa trẻ phạm tội trong một số vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua chưa đủ 16, hoặc từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi và đây đều là những người được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Thậm chí, trong một số vụ án, trẻ chưa đủ 16 tuổi còn không bị xử phạt hành chính bằng tiền mà chỉ cảnh cáo hoặc trẻ trong độ tuổi từ 16-18 mức xử phạt hành chính chỉ bằng 1/2 mức thông thường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm. Người phạm tội là người dưới 18 tuổi cũng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong cơ cấu tội phạm, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, tội phạm công nghệ cao...
Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục từ gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Bên cạnh đó, gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng và có hành vi chuẩn mực, có kiến thức pháp luật.
Theo Điều 91 (BLHS 2015) quy định, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
“Không khởi tố, không tạm giam, những thiếu niên này thực tế khi đưa về gia đình quản lý theo quy định rất có thể lại tái phạm. Do đó, để những đứa trẻ sớm thay đổi cần nới rộng quy định về việc đưa thanh thiếu niên hư đi học tập, cải tạo tại các trường giáo dưỡng nhằm hạn chế tình trạng thanh thiếu niên phạm tội như hiện nay”, chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thanh Oai nhìn nhận.