Nghiệm thu đề tài ứng dụng thực vật thủy sinh để xử lý nước thải chăn nuôi
Sáng nay 29-4, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh chủ trì họp hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài 'Ứng dụng thực vật thủy sinh để xây dựng mô hình xử lý nước thải biogas của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước'.
Đề tài do nhóm tác giả của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam nghiên cứu triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo đề cương nghiên cứu, nước thải chăn nuôi là một loại chất thải đặc trưng và có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, do có chứa hàm lượng chất hữu cơ, cặn lơ lửng, ni tơ, phốt pho và các vi sinh vật gây bệnh. Hiện nay, đa số các cơ sở chăn nuôi đã sử dụng công nghệ biogas để xử lý, tuy nhiên, nước thải đầu ra nguồn nhận không đạt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Giải pháp thực hiện thu hồi và xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng cách ứng dụng thực vật thủy sinh gồm bèo tây, cây thủy trúc, sậy, cỏ lông tây...
Trên cơ sở khảo sát tại 54 cơ sở chăn nuôi ở các quy mô khác nhau, qua đó thu thập và đánh giá chất lượng 80 mẫu nước thải chăn nuôi cho thấy, có 8 loài thực vật thủy sinh sống gần các khu vực chăn nuôi có khả năng xử lý, thích nghi tốt nhất với môi trường nước thải chăn nuôi sau biogas thải ra bộ phận tiếp nhận. Từ đó, nó có thể xử lý được nguồn nước thải trong chăn nuôi tránh gây ô nhiễm môi trường, làm phân bón cho các loại cây trồng, thức ăn cho gia súc. Từ các kết quả thử nghiệm mô hình ở quy mô thí nghiệm và quy mô pilot, nhóm tác giả đề xuất mô hình xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas bằng hệ thống đất ngập nước lai hợp bao gồm hệ thống dòng chảy đứng, ngang và dòng chảy mặt, thực vật sử dụng là cây sậy và rau muống.
Tại cuộc họp, nhóm tác giả đã trả lời chất vấn của các nhà phản biện về tác dụng của mô hình lai hợp hệ thống dòng chảy; hiệu quả ứng dụng của các mô hình thực nghiệm đã triển khai trong thực tế; nhu cầu diện tích để áp dụng cũng như sự biến động của tải lượng ô nhiễm trong quá trình hoạt động…
Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng, đề tài đã được nhóm tác giả nghiên cứu xây dựng gần 4 năm qua trên địa bàn tỉnh. Vấn đề xử lý nước thải sau chăn nuôi là góp phần bảo vệ môi trường. Đây là đề tài khoa học phù hợp, rất có ý nghĩa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, hệ thống mà đề tài đang triển khai chưa phải là hoàn thiện và tối ưu, do đó cần có thêm các nguyên cứu sâu, phù hợp để áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi khác nhau trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành bỏ phiếu với 9/9 phiếu đánh giá đề tài đạt.