Nghiêm trị hành vi chống trả cảnh sát giao thông
Cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhiều đối tượng vi phạm pháp luật về giao thông, tấn công người thi hành công vụ
Ngày 17-1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "Chống người thi hành công vụ" đối với 4 người trong vụ tấn công lực lượng CSGT khi bị đo nồng độ cồn.
Sẵn sàng manh động
Vụ việc xảy ra vào ngày 13-1, khi tổ công tác của CSGT Công an huyện Hồng Dân đang tuần tra trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A thì phát hiện 2 xe máy lạng lách, lấn làn, có biểu hiện say xỉn nên dừng xe để kiểm tra. Người lái xe là Trần Văn Lâm (34 tuổi; ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; chở vợ là Phan Lệ Thanh) và Trần Thị Hồng Sương (37 tuổi; ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân). Kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở đối với Lâm là 1,10 mlg/lít khí thở và Sương là 0,471 mlg/lít khí thở.
Trong quá trình lập biên bản, Lâm chống đối, không hợp tác, sau đó đạp ngã môtô chuyên dụng và tấn công tổ công tác khiến một CSGT bị thương. Sương gọi điện cho Nguyễn Văn Thức (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) đến cùng với Thanh chửi bới, tấn công khiến 2 CSGT khác bị thương...
Còn tại tỉnh Bình Định, Công an thị xã An Nhơn cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Quang Đạo (19 tuổi; ngụ xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, chiều 8-1, tổ tuần tra kiểm soát giao thông do đại úy Trần Ngọc Hiếu - đội CSGT Công an thị xã An Nhơn - làm tổ trưởng tuần tra tại chốt đèn đỏ ngã tư đường Hồng Lĩnh - Huỳnh Đăng Thơ (thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn). Phát hiện Trương Quang Đạo điều khiển môtô 77F1-277.02 không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu nên tổ tuần tra ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Chẳng những không chấp hành, Đạo còn điều khiển xe tông vào khiến đại úy Hiếu trọng thương.
Trước tình trạng người vi phạm giao thông bất tuân hiệu lệnh, tấn công CSGT gây bức xúc xã hội, Cục CSGT đã yêu cầu trưởng phòng CSGT công an các địa phương huy động lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ. Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ và hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm là Đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
Mạnh tay với ma men
Phần lớn những vụ vi phạm giao thông, tấn công CSGT đều do các đối tượng đã uống bia rượu gây ra.
Mới đây, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT Công an các tỉnh, TP tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP. CSGT Công an các địa phương khi tổ chức kiểm soát cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông", sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát. Dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Tại tỉnh Ninh Bình, từ ngày 1-1, công an tỉnh này đã lập chốt lưu động kiểm tra, đo nồng độ cồn với hơn 1.000 trường hợp điều khiển ôtô, xe máy. Qua đó, phát hiện có 108 người lái xe vi phạm nồng độ cồn (có 31 ôtô, 77 xe máy) xử phạt trên 700 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 77 trường hợp. Đặc biệt, trong số trên có 11 tài xế ôtô bị phạt ở mức cao nhất với tổng số tiền 385 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ, công an tỉnh này sẽ điều lực lượng xử lý nghiêm khắc.
Hàng loạt địa phương khác như TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Bình... cũng rất quyết liệt với các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.
Xử lý hình sự, phạt tù
Luật sư Lê Thanh Thuận, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, cho rằng vụ 3 đối tượng bị thổi nồng độ cồn đã tấn công lực lượng CSGT ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là hành vi không thể chấp nhận được. Nó thể hiện sự coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe người thi hành công vụ. Với sự manh động của các đối tượng trong clip cho thấy hành vi này là nghiêm trọng, cần áp dụng khung 2 (khoản 2) điều 30 Bộ Luật Hình sự 2015, có khung hình phạt từ 2-7 năm tù.