Nghiêm túc, thực chất trong kiểm điểm cuối năm
Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên. Thế nhưng, làm thế nào để công việc này thực sự đi vào thực chất, không còn mang tính hình thức luôn là câu hỏi lớn được đặt ra.
Kiểm điểm để “tự soi, tự sửa”
Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 463 tổ chức cơ sở Đảng với 41.782 đảng viên. Trong những năm qua, việc đánh giá xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, đảng viên thực hiện nghiêm túc, đi vào nề nếp. Các tổ chức Đảng, đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh luôn bám sát các hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, yêu cầu chung là trong kiểm điểm, xếp loại cuối năm đó là cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”; phải nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục; lấy kết quả kiểm điểm tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân và ngược lại, lấy kết quả kiểm điểm cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể... Qua việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên một cách khách quan, thực chất đã giúp mỗi đảng viên trên địa bàn tỉnh có ý thức “tự soi, tự sửa”, từ đó phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Trong nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025, hàng năm có trên 87% tổ chức cơ sở Đảng và trên 92% Đảng bộ cấp trên cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, vượt hơn 12% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Bình quân hàng năm, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tổ chức cơ sở Đảng là 13%, Đảng bộ cấp trên cơ sở là 14,2%.
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận vẫn có không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên chưa thật sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công việc này, dẫn đến công tác chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân ở một số nơi chưa thật tốt, quá trình kiểm điểm chưa sâu, chưa thẳng thắn đi vào vấn đề. Tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm, “dễ người dễ ta” vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Và đâu đó vẫn xảy ra việc, lấy lại báo cáo của năm cũ, “sao chép” thành báo cáo của năm nay, có nghĩa là những ưu - khuyết của một năm được “di truyền” từ năm này sang năm nọ. Chưa dừng lại ở đó, một số nơi kiểm điểm tập thể chưa gắn với trách nhiệm cá nhân, việc đánh giá cuối năm là cơ hội để “hạ bệ” uy tín lẫn nhau, là cơ hội để moi móc, nâng quan điểm… mà không phải trên tinh thần xây dựng để người bị phê bình tiếp thu. Và có một thực tế mà nhiều nơi “sa vào” đó là chỉ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà ít để ý đến đến kiểm điểm tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống nên việc phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được kịp thời…
Nâng cao tính thực chất trong công tác kiểm điểm, xếp loại
Đầu tháng 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định 124-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018. Mục đích của Quy định số 124-QĐ/TW nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất. Nội dung đặt ra của việc kiểm điểm đảng viên là làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, yếu kém, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp cũng như thời gian khắc phục. Đáng lưu ý, Quy định nhấn mạnh đến việc lấy kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể làm căn cứ để xác định tỷ lệ các mức xếp loại của đơn vị, cá nhân trực thuộc; lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; qua đó để có cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại theo hướng giảm định tính, tăng định lượng thông qua sản phẩm cụ thể, bảo đảm sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại. Đồng thời bổ sung căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại nội dung về: Tính gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc của cá nhân; tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để đồng bộ với các quy định của Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra vào ngày 16/11, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, nhằm “khép kín” các vấn đề liên quan đến công tác này, trong đó có Quy định số 124 năm 2023 nhằm khắc phục những hạn chế khi thực hiện Quy định số 132. Về phạm vi, đối tượng áp dụng, Quy định 124 xác định rõ dành riêng cho cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong hệ thống Đảng; còn hệ thống Nhà nước thì theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, khi triển khai Quy định số 124 cần tiếp tục tinh thần tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa, phải chủ động ngăn ngừa sai phạm, vi phạm, chứ không để hậu quả xảy ra rồi đi giải quyết. Đồng thời, nâng cao tính thực chất trong công tác đánh giá, tự phê bình, phê bình.
Thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị đang chuẩn bị cho việc tổ chức đánh giá, bình xét thi đua cuối năm. Để Quy định số 124-QĐ/TW thực sự phát huy hiệu quả, mỗi đảng viên, TCCSĐ cần chuẩn bị tốt nội dung kiểm điểm, tránh thực hiện qua loa. Để làm được điều đó, cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn kiểm điểm theo đúng trình tự, thủ tục, đồng thời nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong “tự phê bình và phê bình”. Có như vậy công tác đánh giá, xếp loại đảng viên, TCCSĐ mới nghiêm túc, thực chất và đạt hiệu quả cao.
“Kiểm điểm, đánh giá, phân loại phải giữ vững tinh thần đoàn kết, chứ không phải dĩ hòa vi quý, xuê xoa. Chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phương pháp lãnh đạo, quản lý, hướng tới phương pháp quản lý chú trọng đầu ra, kết quả, sản phẩm cụ thể, năng lực, hiệu quả công việc”, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng.