Nghiên cứu áp dụng nhập cảnh trực tuyến qua nhận dạng khuôn mặt
Để thúc đẩy du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị hàng loạt giải pháp như: Tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm; nghiên cứu và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Nhận định du lịch Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh ngành Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm để thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững".
Người đứng đầu Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành Du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân theo tinh thần: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp"; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
"Kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du lịch", Chỉ thị nêu rõ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm "một cung đường - nhiều điểm đến", hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương…
Mặt khác, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề Việt Nam có thế mạnh như: du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch về đêm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe...
Hướng dẫn các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên địa phương để thu hút và giữ chân du khách; phát triển đồng bộ cả du lịch bình dân, cao cấp và đặc biệt cao cấp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch.
Thủ tướng giao Bộ Công an triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam; chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.
Cũng theo chỉ thị của Thủ tướng, các cơ quan cần xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế, báo cáo Thủ tướng trong Quý II.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới.
Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo; thực hiện đúng nội dung theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, tôn trọng quyền lợi của khách hàng và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để Du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các doanh nghiệp du lịch, người dân tham gia kinh doanh các dịch vụ có liên quan đến du lịch (dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và các dịch vụ khác) phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước và các quy định của pháp luật, của ngành, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nâng cao thương hiệu Du lịch Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phát triển du lịch theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý; tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, quá trình thực hiện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.