Nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết cho hoạt động của tàu lặn
Đây là một trong những nội dung được đề xuất tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến.
Theo Bộ GTVT, quy định tại Bộ luật Hàng hải 2015 và các văn bản hướng dẫn mới chỉ có các quy định liên quan đến việc đăng ký, đăng kiểm, hoa tiêu, lai dắt và định biên cho tàu lặn, chưa có các quy định chi tiết, đặc thù cho loại phương tiện này, như chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu lặn, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thuyền viên làm việc trên tàu lặn.
Ngoài ra, cũng chưa có quy định việc thu phí, lệ phí đối với tàu lặn, hay các quy định cụ thể hướng dẫn phương án cứu nạn dưới mặt nước với hoạt động tàu lặn, cùng việc quản lý hoạt động cấp phép cho tàu lặn vào, rời khu vực hàng hải hoặc bến phao…
Trong khi đó, tại một số khu du lịch hiện nay xuất hiện loại hình tàu lặn, như tại Nha Trang. Loại phương tiện này mang đến trải nghiệm mới nên thu hút khá nhiều du khách.
Do chưa có một số quy định cụ thể, trên cơ sở đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm hoạt động tàu lặn, thời gian áp dụng thí điểm từ tháng 2/2021 đến hết tháng 7/2024. Kết quả triển khai thực hiện thí điểm làm cơ sở để bổ sung các quy định tại Bộ luật cho phù hợp với thực tiễn.
Do đó, dự thảo đề xuất nghiên cứu bổ sung một số quy định về quản lý hoạt động tàu lặn, du thuyền trong Bộ luật 2015.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký văn bản về việc gia hạn thời gian thí điểm triển khai hoạt động dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang sau khi xét đề nghị của Bộ GTVT về gia hạn thời gian thí điểm triển khai thực hiện tàu lặn tại vịnh Nha Trang và ý kiến của một số bộ, ngành liên quan.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan tổ chức quản lý hoạt động dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tuân thủ các quy định hiện hành về an ninh, quốc phòng và quy định pháp luật có liên quan. Trong quá trình thí điểm, yêu cầu các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các phương tiện và hoạt động hỗ trợ khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Công ty Cổ phần Vinpearl và các cơ quan, đơn vị liên quan có phương án bảo đảm an toàn, phòng tránh sự cố, cứu nạn và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện hoạt động dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang.
Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết hoạt động thí điểm dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang, tổ chức rà soát, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động dịch vụ tàu lặn, hoàn thành trong tháng 7/2024.