Nghiên cứu các phương án lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông

Quỹ phát triển hạ tầng với cơ chế huy động vốn phù hợp để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng là giải pháp cần thiết để thúc đẩy liên kết, tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, một trong những dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, một trong những dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng

Nhiều năm qua, dù có nhu cầu rất lớn về nguồn vốn đầu tư, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ vẫn còn hạn chế.

* Tạo cơ chế huy động nguồn lực

Đông Nam bộ được xem là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối lại được đánh giá còn nhiều hạn chế. Chính điểm nghẽn này đã khiến cho vùng chưa thể phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, việc tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng được xem là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, vùng Đông Nam bộ được định hướng phát triển là vùng có cơ cấu kinh tế hiện đại, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực…

Để đạt được các mục tiêu này, cũng như tạo ra một không gian rộng lớn, thống nhất, cần có các giải pháp huy động vốn đầu tư bao gồm nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng. Từ đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Trong đó, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.

Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 7-2023, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đề xuất các phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ gồm: quỹ do UBND TP.HCM thành lập và huy động vốn ngân sách nhà nước (ưu tiên huy động vốn ngân sách của các địa phương và trung ương); Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ, trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ.

Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ được tổ chức vào giữa tháng 7-2023, lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho rằng, việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng Đông Nam bộ với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong vùng.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã thống nhất việc nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

* Lấy ý kiến các địa phương về phương án lập quỹ

Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ lần thứ 3 (quý III-2023) được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 10 vừa qua, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố vừa phối hợp cùng nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng”. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành, địa phương trong vùng, các chuyên gia, nhà khoa học...

Tại hội thảo này, nội dung thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ được đề xuất cân nhắc với 5 phương án.

Theo đó, với phương án 1, sẽ không thành lập quỹ đầu tư vùng mà mở rộng chức năng các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện hành, cho phép các quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn cho cả các dự án đầu tư vùng. Theo đánh giá, phương án này có ưu điểm không cần thành lập quỹ mới, nhưng có hạn chế là không khắc phục được những điểm yếu, hạn chế của quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện nay.

Với phương án 2, quỹ phát triển hạ tầng vùng sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số quỹ đầu tư phát triển địa phương trong vùng. Phương án này có ưu điểm mở rộng quy mô, tạo điều kiện huy động vốn tốt hơn, nhưng có hạn chế là cơ sở pháp lý chưa vững chắc, thời gian và thủ tục cho quá trình sáp nhập có thể kéo dài.

Phương án 3, việc thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng sẽ được triển khai trên cơ sở nâng cấp Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC). Phương án này có lợi thế nâng cấp mô hình sẵn có, nhưng vẫn có những hạn chế về thủ tục và cơ bản vẫn chưa khắc phục được các điểm yếu của quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Với phương án 4, các chuyên gia đề xuất bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để bao gồm các chức năng của quỹ phát triển hạ tầng vùng. Phương án này có ưu điểm là đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh, lợi thế từ nâng cấp mô hình sẵn có, nhưng vẫn có những hạn chế từ việc phải sửa đổi điều lệ của VDB, khả năng đầu tư dàn trải, những yếu kém hiện tại của VDB.

Trong khi đó, với phương án 5, quỹ phát triển hạ tầng vùng sẽ được thành lập như một ngân hàng chính sách mới do Chính phủ thành lập, với các cổ đông hay thành viên góp vốn là Chính phủ và UBND các địa phương trong vùng. Phương án này có ưu điểm là thiết lập mô hình mới, khắc phục những điểm yếu của mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương và VDB, có cơ sở pháp lý vững chắc là Luật Các tổ chức tín dụng, có nhiều khả năng phát triển thành tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là phải thành lập bộ máy mới với cơ cấu tổ chức kèm theo, thủ tục và thời gian để thành lập. Đây là phương án được nhóm nghiên cứu ưu tiên đề xuất.

Theo UBND TP.HCM, để sớm hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh vùng Đông Nam bộ nghiên cứu, có ý kiến về 5 phương án thành lập quỹ. Từ đó, UBND TP.HCM sẽ tổng hợp, gửi góp ý cho Bộ Tài chính. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính sớm chủ trì, phối hợp Bộ KH-ĐT, UBND các địa phương trong vùng nghiên cứu, hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng trong năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202311/nghien-cuu-cac-phuong-an-lap-quy-phat-trien-ha-tang-giao-thong-a985497/