Nghiên cứu chế tạo vắc xin chống virus Corona: Thấy gì từ 'cuộc đua' của toàn cầu?

Tin tức về virus Corona (2019-nCoV) đang trở thành tâm điểm khắp các trang báo trên phạm vi toàn cầu. Tại Trung Quốc, đã có hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người được chẩn đoán mắc loại virus này. Và 'cuộc đua' sản xuất vắc xin chống chủng virus corona mới (nCoV-2019) gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc cũng bắt đầu trên toàn thế giới chỉ vài giờ sau khi xác định được chủng virus.

Nghiên cứu chế tạo vắc xin chống virus Corona 1.

Nghiên cứu chế tạo vắc xin chống virus Corona 1.

Khi các nhà khoa học trên thế giới đều có chung một đích đến

Không như những đợt bùng phát dịch Ebola, Zika hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), khi đó việc sản xuất vắc xin mất vài năm, thậm chí trong đợt bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2002, Trung Quốc cung cấp thông tin chậm trễ khiến việc nghiên cứu vắc xin bắt đầu khi dịch gần như đã kết thúc, thì nay Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp mã gen của chủng virus nCoV-2019, giúp các nhà khoa học nhanh chóng bắt tay nghiên cứu nguồn gốc của chủng virus mới, khả năng biến đổi, cũng như cách để đối phó.Với sự tiến bộ của công nghệ và cam kết hỗ trợ nghiên cứu chống dịch bệnh của các nước, các cơ sở nghiên cứu đã nhanh chóng bắt tay vào hành động.

Tại phòng nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học Inovio ở San Diego, Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát triển loại vắc xin có tên INO-4800, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay. Kate Broderick, lãnh đạo cấp cao phụ trách nghiên cứu và phát triển tại Inovio, cho biết ngay khi Trung Quốc cung cấp mã gen của chủng virus mới, "chúng tôi đã đưa nó qua công nghệ máy tính phòng thí nghiệm và thiết kế ra một loại vắc xin trong vòng ba giờ".

"Vắc xin ADN của chúng tôi rất mới ở việc chúng sử dụng chuỗi ADN từ virus để nhắm vào các phần cụ thể của mầm bệnh mà chúng tôi cho rằng cơ thể sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhất. Sau đó, chúng tôi dùng các tế bào của chính bệnh nhân làm nhà máy sản xuất vắc xin củng cố cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể" - bà Broderick giải thích.

Chưa biết tình hình dịch viêm phổi do chủng virus nCoV-2019 sẽ diễn biến như thế nào vào cuối năm nay, tuy nhiên Inovio cho biết nếu thử nghiệm ban đầu thành công, họ sẽ tiến hành thử nghiệm lớn hơn vào cuối năm nay và vắc xin của họ sẽ là loại vắc xin được phát triển và thử nghiệm nhanh nhất trong tình huống bùng phát dịch.

Liên minh cải tiến sẵn sàng chuẩn bị đối phó đại dịch (CEPI) là một tổ chức được thành lập cách đây ba năm, sau đợt bùng phát dịch Ebola ở châu Phi và được các tổ chức và chính phủ nhiều nước tài trợ. Hiện nay, các nghiên cứu vắc xin kháng virus nCoV-2019 phần lớn do CEPI tài trợ, như hai chương trình nghiên cứu vắc xin chống chủng virus Corona mới tại Đại học Queensland, Úc và chương trình phối hợp giữa Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID) Mỹ và Công ty Moderna.

Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cho biết họ có thể rút ngắn thời gian đưa vắc xin ngừa virus nCoV-2019 vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn 3 tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS trước đây". Chúng tôi đang làm việc với tốc độ chưa từng thấy" - Richard Hatchett, lãnh đạo CEPI cho biết.

Tập đoàn Johnson & Johnson cũng thông tin phòng thí nghiệm của tập đoàn đã phát triển vắc xin dựa theo công nghệ đã áp dụng trong điều chế vắc xin Ebola đang sử dụng tại CHDC Congo và Rwanda. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất các loại vắc xin chống bệnh Zika và HIV.

Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản vừa cho biết họ đã thành công trong việc nuôi cấy và cô lập virus Corona. Các trình tự gen của virus đã bị cô lập 99,9%, phù hợp với mẫu được Chính phủ Trung Quốc đưa ra, theo Viện nghiên cứu Nhật Bản.

Bằng việc cô lập virus, các nhà nghiên cứu sẽ bắt tay vào việc điều chế vắc xin và thuốc điều trị bệnh viêm phối do nCoV gây ra, cũng như tạo ra một bộ xét nghiệm có khả năng chẩn đoán nhanh.Viện này cũng sẽ cung cấp virus bị cô lập cho các nhà nghiên cứu và công ty khác nhau nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, trong khi cố gắng khám phá cơ chế lây nhiễm và thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của virus….

Nỗ lực của các nhà khoa học Trung Quốc

Bên cạnh việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa 1,2 ngàn tỷ nhân dân tệ (173 tỷ USD) vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, giữa lúc dịch cúm do virus Corona chủng mới đang hoành hành gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã tuyên bố tài trợ 100 triệu nhân dân tệ, khoảng 14 triệu USD, trong đó gần một nửa sẽ dành cho việc phát triển vắc xin chống virus nCoV-2019.

Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo thành công vắc xin cho virus Corona. Loại vắc xin này được tách ra từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hong Kong. Tuy nhiên, ông Yuen chia sẻ phải mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và mất ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người.

Bệnh viện Đông Thượng Hải (thuộc Đại học Đồng Tế, Thượng Hải) đã phê chuẩn dự án phát triển vắc xin mới chống virus Corona do trường phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics (Thượng Hải) phát triển. Đại diện công ty này cho biết vắc xin sẽ được sản xuất trong không quá 40 ngày, sau đó trải qua quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.

Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải đang sử dụng thuốc xịt chống virus Corona trước khi vào khu vực cách ly do Bệnh viện Thượng Hải sáng chế. Thành phần của thuốc xịt gồm 2 hoạt chất: một chất kiềm chế sự nhân đôi của virus, chất còn lại kiểm soát quá trình gây bệnh của virus.

Loại thuốc này đã được chứng minh hiệu quả trên động vật và đạt tiêu chuẩn lâm sàng. Đặc biệt, thuốc được chứng minh có hiệu quả chống lại virus Corona. Được biết nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Thượng Hải đã dành hơn 6 năm để phát triển các loại thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn chưa được phê duyệt lưu hành và sản xuất trên thị trường nên mới chỉ sử dụng tại Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải.

Lô thuốc phát hiện virus Corona đầu tiên cũng đã được gửi tới Vũ Hán từ một công ty sản xuất tại Thiên Tân (Trung Quốc). Đây là lô thuốc phát hiện 2019-nCoV đầu tiên, dù mới là thuốc thử nghiệm. Số thuốc này được gửi miễn phí, dự kiến sử dụng được cho 10.000 người. Hiện, thành phần của thuốc, cơ chế hoạt động vẫn chưa được tiết lộ.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, Trung Quốc cũng bắt đầu hợp tác phát triển vắc xin ngừa virus 2019-nCoV với một số quốc gia khác. Cuối tháng 1/2020, Lãnh sự quán Nga tại Quảng Đông (Trung Quốc) thông báo Nga và Trung Quốc đã bắt đầu hợp tác phát triển vắc xin ngừa virus 2019-nCoV. Lãnh sự quán Nga cũng cho biết Trung Quốc đã chuyển giao cho Nga bộ gen virus 2019-nCoV để giúp các nhà khoa học Nga xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện virus trong cơ thể trong 2 giờ…

Những câu hỏi tại sao

Tuy rằng rất nỗ lực nhưng các nhà khoa học trên thế giới đều cho rằng dù đẩy mạnh việc phát triển được vắc xin, việc thử nghiệm và sản xuất sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Do đó, thế giới phải chờ ít nhất một năm nữa mới có thể có được loại vắc xin hiệu quả để đối phó với virus nCoV-2019. Trong khi đó, dịch viêm phối cấp do nCoV gây ra đã giết chết ít nhất hàng trăm người và lây nhiễm gần hàng nghìn người trên toàn cầu, khi virus tiếp tục lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Bên cạnh các nỗ lực của các nhà khoa học thế giới và của cả Trung Quốc thì vẫn còn những thông tin khiến người ta đặt câu hỏi nghi vấn. Đơn cử như, ngày 24/1, các nhà khoa học Úc cho biết họ đã nuôi cấy virus từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân bị lây nhiễm.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Peter Doherty ông Mike Catton gọi thành công trên là "cực kỳ quan trọng" và sẽ trở thành một phần thiết yếu trong công cuộc chống lại đại dịch, khi các nhà nghiên cứu có thể sử dụng virus nuôi cấy nhằm kiểm tra hiệu quả của các loại vắc xin. Phát hiện trên còn giúp các chuyên gia phát triển khả năng xác định người bị nhiễm bệnh, ngay trước khi họ có các triệu chứng.

Trước đó, một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đã nuôi cấy thành công loại virus Coronamới, song họ không chia sẻ phát hiện của mình với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, các hình ảnh về chu trình gen của bệnh từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đã giúp các nhà khoa học Úc nuôi cấy thành công virus.

Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cho biết họ có thể rút ngắn thời gian đưa vắc xin ngừa virus nCoV-2019 vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn 3 tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS trước đây.

Và tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cho phép một tổ chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đến làm việc với các chuyên gia y tế Trung Quốc ở tuyến đầu dịch virus Corona tại Vũ Hán. Ông cũng đề nghị Bắc Kinh cung cấp thêm dữ liệu về các ca đã xác nhận nhiễm virus Corona tại Trung Quốc. Nhưng đề nghị này sau đó đã bị Bắc Kinh bác bỏ…

Tuy nhiên, trước sự bùng phát của đại dịch và nỗ lực của WHO, ngày 3/2 Trung Quốc đã nhất trí cho phép các chuyên gia y tế Mỹ vào nước này nhằm hỗ trợ chống dịch virus Corona đang lây lan nhanh. Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere tuyên bố, các chuyên gia y tế Mỹ sẽ tham gia đoàn chuyên gia của WHO tới Trung Quốc để tìm hiểu thêm về virus cũng như hỗ trợ chống dịch.

Nga công bố bộ 3 loại thuốc chống virus Corona Vũ Hán

Trong khi các chuyên gia trên toàn thế giới đang chạy đua với thời gian tìm kiếm một loại vắc xin để chống lại virus Corona mới 2019-nCoV, các cơ quan y tế Nga đã xác định được bộ ba loại thuốc hiện có để chống lại 2019-nCoV ở người lớn Họ tin rằng có thể dùng ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b để chống lại 2019-nCoV.

Những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị viêm gan C, HIV và bệnh đa xơ cứng tương tự. Khuyến nghị của Bộ Y tế Nga không chỉ đưa ra các khuyến cáo, mà còn mô tả phương thức điều trị và liều lượng chỉ định. Các hướng dẫn này được đưa ra cho các bác sĩ tại các bệnh viện trong cả nước.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/nghien-cuu-che-tao-vac-xin-chong-virus-corona-thay-gi-tu-cuoc-dua-cua-toan-cau-492919.html