Nghiên cứu chính sách để người dân Hà Nội được chăm lo ở mức cao hơn
Chiều 19/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về 'Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025'.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Có 14/27 chỉ tiêu hoàn thành sớm trước 2 năm theo kế hoạch
Thời gian qua việc triển khai thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội-nhất là trong bối cảnh Thành phố và cả nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân.
Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021). Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay đã có 14/27 chỉ tiêu đã được hoàn thành sớm trước 2 năm theo kế hoạch cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như: Tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp. Có 9 chỉ tiêu đang triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ.
Điểm nổi bật của Chương trình số 08-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội đã được ban hành (với 16 Nghị quyết của HĐND Thành phố với tổng kinh phí thực hiện hơn 54.200 tỷ đồng) để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới y tế, giáo dục đào tạo và văn hóa xã hội, Thành ủy, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết về 3 mục tiêu: đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của Thành phố với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách quan trọng khác.
Cùng với những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm; Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế do chưa có phần mềm dùng chung toàn Thành phố; Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị sử dụng lao động còn nhiều khó khăn, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Còn tình trạng doanh nghiệp tham gia BHXH chưa đầy đủ cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...
Hiện còn 3 chỉ tiêu khó cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; Chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân; Chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường” (được điều chỉnh thành Chương trình sức khỏe học đường).
Thực hiện đúng nguyên tắc "dân là gốc"
Tham luận tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, bổ sung thêm các kết quả thực hiện chương trình như: Công tác vận động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội; công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chương trình tín dụng chính sách xã hội; giải pháp thực hiện công tác an sinh xã hội đặc thù; công tác giảm nghèo bền vững, chăm sóc, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội…
Các đơn vị cũng đề nghị thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh công tác phổ biến ý nghĩa của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy. Tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình theo hướng lấy người dân là trung tâm và tập trung vào các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn; gắn việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU với các Chương trình công tác khác của Thành ủy.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, thời gian qua hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình được triển khai bài bản, khoa học, sâu sát, hiệu quả với nhiều cách làm đổi mới từ việc xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Thường trực Ban Chỉ đạo đã kịp thời đánh giá những tồn tại, hạn chế, khó khăn và tập trung chỉ đạo, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, nhiều quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn.Biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả bước đầu của Ban Chỉ đạo Chuơng trình số 08 của Thành ủy và các cấp, các ngành của Thành phố đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định: Những kết quả đạt được trong Chương trình số 08 của Thành ủy đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, là nền tảng cho sự ổn định, phát triển của Thành phố.
Để tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08 đề nghị các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của Chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng. Qua đó có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc “dân là gốc”, với sự đồng hành của người dân thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Cùng đó, rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù để người dân của Hà Nội được quan tâm, chăm lo với yêu cầu ở mức cao hơn, đối tượng mở rộng hơn so với trung ương-nhất là với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn...
Phó Bí thư Thành ủy cũng nêu rõ nhiệm vụ cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và huy động các nguồn lực phục vụ công tác an sinh xã hội; Tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình.