Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của hai liều vaccine đối với biến thể phát hiện tại Ấn Độ
Kết quả một nghiên cứu mới của Chính phủ Anh cho thấy người tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 để chống lại biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn dữ liệu của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) đưa ra ngày 21/5 cho biết việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 có khả năng chống lại biến chủng B.1.617.2 phát hiện tại Ấn Độ với tỷ lệ bảo vệ lên tới 81%. Tỷ lệ này là 87% đối với biến thể B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh.
Nếu tiêm một liều vaccine thì tỷ lệ bảo vệ trước biến thể phát hiện tại Ấn Độ chỉ là 33% và 51% đối với biến thể tại Anh. Dữ liệu của PHE được tính toán dựa trên số liệu tổng hợp từ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng BioNTech/Pfizer và Oxford/AstraZeneca.
Tuần trước, Chính phủ Anh đã rút ngắn thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm đối với những người trên 50 tuổi từ 12 tuần xuống 8 tuần nhằm đảm bảo nhóm người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ đầy đủ bằng vaccine càng sớm càng tốt. Chính phủ cũng tăng cường tiêm chủng tại các điểm nóng COVID-19 do sự lây lan của biến thể Ấn Độ như Bolton cùng Blackburn và Darwen.
Dư luận đang lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Ấn Độ tại Anh có thể ảnh hưởng tới lộ trình nới lỏng phong tỏa theo đúng kế hoạch vào ngày 21/6 tới.
Trước đó, ngày 21/5, Viện Robert Koch của Đức đã đưa Anh vào danh sách khu vực bùng phát biến thể, theo đó yêu cầu những người đến từ Anh phải cách ly trong vòng hai tuần sau khi nhập cảnh. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ đang gia tăng tại Anh.
Quyết định có hiệu lực từ 22h00 ngày 22/5 (theo giờ GMT), áp dụng với mọi hành khách đến từ Anh, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine và những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Chỉ công dân Đức và người sinh sống tại Đức trở về từ Anh được phép nhập cảnh. Các công ty vận tải hành khách đường hàng không, đường sắt và xe buýt không được phép chở các hành khách khác từ Anh đến Đức.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh tại Anh và nhấn mạnh ưu tiên ngăn chặn nguy cơ biến thể Ấn Độ xâm nhập và lây lan trong nước. Ông đánh giá làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Đức đang giảm dần, nhiều hoạt động trong cộng đồng đã được nối lại nhưng người dân vẫn cần phải thận trọng vì đại dịch vẫn chưa kết thúc.